Những căn nhà phố thương mại ở Nam Trung Yên, Hà Nội được rao bán chênh tới hàng chục tỷ đồng.
Mấy ngày gần đây, thị trường bất động lại nóng lên khi một dự án shophouse hay nhà phố thương mại tại Hà Nội được các công ty môi giới chào bán với giá 30 tỷ đồng nhưng trên hoá đơn chỉ ghi 12 tỷ đồng, khoản tiền chênh 18 tỷ đồng đã được phù phép để trốn thuế.
Cũng cách đây không lâu, Cơ quan Cảnh sát điều tra PC46 TP.HCM đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát khi công ty này đã tự nhận là chủ đầu tư, đứng ra ký kết hợp đồng mua bán đất nền. Thực tế này một lần nữa cho thấy, cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các công ty môi giới bất động sản.
Điểm chung của 2 câu chuyện trên là các chủ đầu tư chính thức của dự án đều phủ nhận mọi liên quan tới hiện tượng bán hàng sai lệch trên thị trường. Họ cho rằng việc bán hàng đó là trách nhiệm thuộc về các đơn vị môi giới bán hàng. Vậy giữa các chủ đầu tư và công ty môi giới thường có mối liên kết như thế nào?
Với các điều kiện thành lập hết sức thông thoáng, mỗi khi thị trường bất động sản phát triển, các công ty môi giới bất động sản thường mọc lên như "nấm sau mưa".
Không thể phủ nhận vai trò các công ty này nhưng, điều đáng đói là trong tất cả các giao dịch mua bán nhà đất, chỉ có 2 bên ký kết với nhau là chủ đầu tư và người mua. Phía môi giới sau khi bán hàng xong hoàn toàn hết trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, hiện đang thiếu các chế tài quản lý hoạt động bán hàng của các công ty môi giới bất động sản.
Mối quan hệ thực sự giữa các chủ đầu tư dự án bất động sản và các công ty môi giới như thế nào thực tế vẫn là điều bí mật với người bên ngoài. Các chuyên gia cho rằng đến khi nào các điều khoản vẫn chưa công khai, người mua nhà vẫn còn gặp nhiều rủi ro. Thị trường bất động sản chưa thể hướng tới sự minh bạch như kỳ vọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!