Kết quả, 2 vùng trồng xoài và 1 cơ sơ đóng gói tại Đồng Tháp bị dừng xuất khẩu. Sau quá trình điều tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phát hiện hiện tượng doanh nghiệp dùng không đúng mã số, "mượn" mã số của nhau.
Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương nằm trong danh sách vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật vừa bị phía Trung Quốc "tuýt còi" cách đây 2 tháng. Tuy vậy, thời điểm đó, xoài vùng này đã thu hoạch gần hết. Bà con trong HTX hoàn toàn bất ngờ khi nhận thông tin.
Xoài Cao Lãnh bị dừng nhập khẩu sau khi bị "mạo danh"
"Trong thời điểm đó vùng xoài Mỹ Xương nguyên liệu đã hết, mà trước thời điểm đó chúng tôi cũng chưa từng xuất hàng đi Trung Quốc lần nào. Những doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng mã vùng trồng ở Mỹ Xương, chúng tôi hoàn toàn không biết", ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết.
Trong khi đó theo bà Đinh Kim Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, dù đã phát hiện việc mã số nhà đóng gói của mình bị dùng vô tội vạ từ trước đó nhưng không thể giải quyết.
"Cuối năm 2019 đã phát hiện ra chuyện này nhưng mình không thể ngăn chặn được. Cái mã số nhà đóng gói của mình quá trời người sử dụng. Trong cuộc họp với tỉnh cũng đã có ý kiến nhưng đâu có ai đứng ra mà giải quyết cái chuyện này", bà Nhung khẳng định.
Doanh nghiệp biết có vi phạm nhưng lại không thể tự bảo vệ mình. Trong khi đó, địa phương thừa nhận hiện nay, pháp luật thiếu các quy định về quản lý hay bảo hộ đối với mã số được cung cấp. Các thông tin này lại được công khai nên ai cũng có thể tra cứu hoặc lấy để sử dụng.
Doanh nghiệp biết có vi phạm nhưng lại không thể tự bảo vệ mình (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Thực ra việc công bố mã vùng trồng, cũng như mã của nhà sơ chế được đăng tải trên link của nhà nhập khẩu. Chính vì thông tin rộng rãi như thế này nên không tránh được việc trong thời gian vừa qua, mình không giám sát được", bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa - Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp giải thích.
Doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã trong vụ xuất khẩu tới đây…mà ngay cả uy tín của xoài Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Trước sự cố đáng tiếc vừa xảy ra với trái xoài tại Đồng Tháp, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đưa ra hướng giải quyết. Trước mắt sẽ đàm phán lại với phía Trung Quốc để cấp lại mã số vùng trồng. Cùng với đó, tăng cường quản lý và phân trách nhiệm đến từng địa phương.
Từ năm 2018, Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần dán nhãn, trong đó có [mã vùng trồng+ mã cơ sở đóng gói] lên bao bì là đạt yêu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên có 2 vấn đề hiện nay đang diễn ra.
+ Thứ 1: Các thông tin này đều được công khai trên website của Hải quan Trung Quốc, do vậy dễ xảy ra tình trạng sao chép thông tin
+ Thứ 2: Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận: nếu phát hiện vi phạm biện pháp xử lý mạnh nhất là đình chỉ xuất khẩu lô hàng. Chưa có chế tài xử phạt mạnh hơn.
Chính vì vậy, kẽ hở này đã bị lợi dụng.
Từ sự cố xoài Cao Lãnh bị mạo danh, cũng cho thấy những lỗ hổng trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa sang Trung Quốc. Việc kiểm soát những lỗ hổng này sẽ giúp tránh những rủi ro về vi phạm kiểm dịch thực vật và nguy cơ bị cảnh báo hay dừng nhập khẩu… Hơn thế nữa cũng tránh những thiệt hại cuối cùng cho các doanh nghiệp và nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!