Làm sao để vùng đất ĐBSCL có thể "cất cánh"? Biến thách thức thành cơ hội trước tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề này đã được đánh giá thẳng thắn tại Hội nghị "Nhìn lại 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ" về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, diễn ra tại TP.HCM trong sáng nay (18/6).
Sáng nay, 4 diễn đàn chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực trong Nghị quyết 120 đã được 4 bộ chủ trì: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT. ĐBSCL chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% GDP, nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, do vậy làm sao để thách thức thành cơ hội và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 120 lại một lần nữa được đặt ra.
Một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 120 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với 3 vùng sinh thái tại ĐBSCL là: nước mặn, ngọt và lợ… thay vì cải tạo để trồng lúa như trước.
Bộ NN&PTNT tổng kết, sau 3 năm từ đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016, tăng trưởng nông nghiệp toàn vùng ở mức 3%, cao hơn trung bình của cả nước 2,64%. Mô hình biến bất lợi biến thành cơ hội được nhiều địa phương áp dụng. Đối với câu hỏi làm sao để tăng cường liên kết nông dân và đầu ra sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp cũng nêu ý kiến với mô hình Hội quán Nông dân.
Các ý kiến được nêu ra trong diễn đàn mở buổi sáng sẽ được tập hợp và báo cáo trong chiều nay. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!