Biến "nguy" thành "cơ", ngành nông nghiệp thu về 41,2 tỷ USD

Thuý Lan-Thứ năm, ngày 24/12/2020 19:02 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Chiều 24/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp tổng kết 1 năm hoạt động với con số ấn tượng giá trị xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2020, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Biến nguy thành cơ, ngành nông nghiệp thu về 41,2 tỷ USD - Ảnh 1.

Chiều 24/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp tổng kết 1 năm hoạt động với con số ấn tượng giá trị xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,65%.

Dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn. Bên cạnh đó, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Trong bối cảnh đó ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...

Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, xuất khẩu đạt trên 41,25 tỷ USD.

Biến nguy thành cơ, ngành nông nghiệp thu về 41,2 tỷ USD - Ảnh 2.

Sản xuất lúa năm 2020 đạt sản lượng 42,7 triệu tấn.

Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, ngành nông nghiệp đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách linh hoạt, sáng tạo, biến "nguy" thành "cơ", linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

+ Sản xuất lúa năm 2020 đạt sản lượng 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Biến nguy thành cơ, ngành nông nghiệp thu về 41,2 tỷ USD - Ảnh 3.

Sản xuất lúa năm 2020 đạt sản lượng 42,7 triệu tấn.

+ Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu hecta, tăng 40.000 hecta so với năm 2019; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,...) sản lượng tăng từ 4-9% so với năm 2019.

+ Về chăn nuôi, sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.

+ Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019;

+ Về phát triển rừng, cả nước đã chuẩn bị được gần 850 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 220.000 hecta, đạt kế hoạch đề ra.

Với các giải pháp cơ cấu lại đồng bộ trong toàn ngành, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trên 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước