Biệt đãi chính sách, cứu ngành ô tô trong nước trước đại dịch COVID-19

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 28/08/2021 14:13 GMT+7

VTV.vn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thiện Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó có ngành ô tô trong nước.

Đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Đáng chú ý, trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng tiếp tục gia hạn việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021. Đồng thời, việc nghiên cứu đánh giá tác động dịch bệnh để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng được nêu.

Biệt đãi chính sách, cứu ngành ô tô trong nước trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ô tô sắp được hỗ trợ chính sách gia hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ (Ảnh minh họa).

Chính sách trên cực kỳ quan trọng bởi tác động trực tiếp đến ngành sản xuất ô tô đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng toàn diện như tổng cầu đang giảm, thiếu linh kiện, trong đó đặc biệt là chip, chi phí vận chuyển đắt đỏ do giao thông khó khăn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7 năm nay, doanh số bán ô tô tại Việt Nam chỉ đạt hơn 16.000 chiếc, giảm 32% so với tháng trước. Xe con giảm 34%, xe thương mại giảm 27%.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam bị suy giảm doanh số mạnh trong tháng 7 và có thể tháng 8 do bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng tại phía Nam và Hà Nội, một số địa phương miền Trung.

Bộ Tài chính mới đang đề xuất Chính phủ cho phép giảm phí trước bạ đối với xe điện trong 5 năm, bắt đầu từ 2022. Trong khi đó, Bộ bác nhiều đề xuất giảm phí trước bạ đối với xe hơi trong nước do các hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất.

Một chính sách quan trọng là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện được Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đệ trình. Tuy nhiên, hiện nay chính sách này vẫn chưa được đưa ra. Theo nguồn tin của Dân trí, xung quanh đề xuất này, còn có ý kiến khác nhau của các bộ, ban ngành và hiệp hội. Thời gian lấy ý kiến lâu hơn và đánh giá cả tác động đối với xe điện nhập khẩu.

Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cản trở kinh doanh của doanh nghiệp

Theo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ KH&ĐT đệ trình chờ thông qua, mục tiêu của Nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, trước khó khăn lớn của đại dịch Covid-19, thời gian tới, Chính phủ hỗ trợ tín dụng cho 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng, 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động trong năm nay.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước được giao xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.

Trong khi đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng phương án giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD, tiếp tục thực hiện giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch.

Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành, triển khai chính sách ưu đãi thuế với hàng hóa nhập khẩu tài trợ, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh phương châm của Chính phủ là yêu cầu các bộ áp dụng linh hoạt và nới lỏng các điều kiện cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước