Theo ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hình thành được 12 kho bãi và trung tâm logistics, phục vụ hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài như Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An, ICD Sóng Thần, Cảng Bình Dương, Cảng thủy nội địa ICD An Sơn…
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS và 31 đại lý hải quan đang hoạt động, chủ yếu tại các KCN, cảng sông, ICD hiện hữu. Ngoài ra còn có các kho hàng nhỏ lẻ nằm ngoài các KCN, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước đầu tư để cho thuê lại, chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu với diện tích nhỏ từ 2.000 đến 3.000 m2, cung cấp các dịch vụ như vận tải, bốc dỡ, giao nhận hàng hóa trên địa bàn nội tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp logistic chọn Bình Dương làm điểm đến do yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 3, một Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại, vừa được khánh thành tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích lên tới gần 20.000 m2.
Theo ông Nhân, Bình Dương hiện cũng đang có kế hoạch phát triển 11 cảng thủy nội địa đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Hệ thống cảng thủy hiện có đã và đang dần phát huy, vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng giữa Bình Dương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hệ thống kho bãi tại Bình Dương được các doanh nghiệp đầu tư hiện đại (Ảnh: Minh họa).
Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển giao thông thủy tại Bình Dương vẫn có một số khó khăn. Một mặt là việc phát triển giao thông đường thủy ở tỉnh Bình Dương không thuận lợi vì tuyến ngắn. Mặt khác sông Sài Gòn còn bị hạn chế bởi tĩnh không của cầu Bình Triệu 1 nên ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông. Thông thường các tàu lớn đi qua tuyến đường sông qua cầu Bình Triệu 1 phải tốn rất nhiều thời gian chờ nước. Còn lưu thông sông Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi tĩnh không của cầu Đồng Nai và các bãi đá ngầm…
Những cản trở tự nhiên đã trở thành nguyên nhân chính ảnh hưởng đến phát triển vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!