Bình Dương: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một- Chơn Thành thực hiện theo phương thức PPP

Quang Hà-Thứ sáu, ngày 11/10/2024 20:42 GMT+7

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên- Phú Giáo - Bàu Bàng

VTV.vn - Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 8.833 tỷ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với thời gian thực hiện từ 2024 đến 2027. Dự án có tổng chiều dài 52,1 km,  chiếm quỹ đất khoảng 381,6 ha này sẽ bắt đầu từ nút giao đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thuận An, tỉnh Bình Dương và kết thúc tại Km52 +159 thuộc ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Trong đó, đoạn đầu tư xây dựng mới kéo dài 45,6 km.

Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 25,5 mét, vận tốc thiết kế 100km/h, có làn dừng khẩn cấp liên tục toàn tuyến. Riêng đoạn từ Vành đai 3 đến trước nút giao Khánh Vân sẽ được giữ nguyên quy mô mặt cắt đường theo hiện trạng cũ. Trên tuyến đường sẽ có các công trình phục vụ khai thác như trung tâm điều hành, trạm thu phí. Trên toàn tuyến sẽ có tất cả 26 công trình cầu, trong đó có 16 cầu trên đường cao tốc vượt dòng chảy, 5 cầu trên đường ngang vượt đường cao tốc và 5 cầu trên các đường nhánh nút giao. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ được xây dựng và bố trí trên toàn tuyến, đảm bảo đồng bộ về mặt công nghệ và có khả năng mở rộng cho giai đoạn 2 khi đầu tư tiếp trong tương lai, có khả năng kết nối 24/7, chia sẻ dữ liệu với các trung tâm quản lý điều hành giao thông và cơ quan liên quan như an ninh, quốc phòng, cảnh sát, cứu thương, cứu hộ…  

Bình Dương: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một-  Chơn Thành thực hiện theo phương thức PPP - Ảnh 1.

Bình Dương phát triển nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng

Được biết, trong tổng mức đầu tư của dự án có giá trị dự kiến xấp xỉ 8.833,5  tỷ đồng thì chi phí xây dựng chiếm 5.950,8 tỷ đồng, chi phí dự phòng khối lượng và trượt giá lên tới xấp xỉ 1.203,5 tỷ đồng, chi phí lãi vay chiếm 837,6 tỷ đồng. Nguồn vốn để xây dựng công trình đều đến từ vốn nhà đầu tư huy động, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 2.650,03 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư huy động, vốn vay và nguồn vốn huy động chiếm 6.183,40 tỷ đồng.

Bình Dương: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một-  Chơn Thành thực hiện theo phương thức PPP - Ảnh 2.

Một góc TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Dự án sẽ được nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng dự án PPP dưới hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt, tổng chiều dài để tính giá vé trên toàn tuyến là 45,7km và mức vé khởi điểm sẽ được tính toán đảm bảo khả thi cho dự án, không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021 của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, bảng giá khởi điểm từ năm 2028 sẽ chia làm 5 nhóm, nhóm thấp nhất dành cho loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt vận tải hành khách công cộng là 1.468 đồng/km, nhóm cao nhất dành cho loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở nên, xe chở hàng container 40feet là 5.577 đồng/km, thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư là 32 năm 7 tháng.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư và có cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư cho nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP - Công ty CP phát triển hạ tầng kỹ thuật - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước