Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vừa ban hành Thông tư số 10/2023 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Bộ chỉ tiêu này được xem là cơ sở để giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ "xanh hoá" trong các ngành kinh tế…
Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ có các chỉ tiêu như: tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng xanh, số lượng trạm sạc, cổng sạc xe điện... Hay trong lĩnh vực vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng có các chỉ tiêu như: tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh…
Bà Nguyễn Diệu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho biết: "Có 12 Bộ, ngành sẽ liên quan trực tiếp, chủ trì và phối hợp thực hiện. Ngoài ra, còn các UBND các tỉnh cũng sẽ tham gia phối hợp thực hiện Bộ chỉ tiêu này, sẽ thu thập các số liệu bởi vì Chiến lược tăng trưởng xanh thực hiện đến cấp tỉnh, thành phố nên việc thực hiện cũng sẽ thực hiện từ cấp tỉnh, thành phố".
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện theo 2 lộ trình mà lộ trình đầu tiên sẽ được bắt đầu ngay từ ngày 15/12 tới đây.
Bà Nguyễn Diệu Huyền cho biết thêm: "Sẽ có nhiều nội dung mà chúng ta chưa thực hiện được ngay mà cần sự thống nhất, đồng bộ thực hiện giữa các bộ ngành. Khi xây dựng bộ chỉ tiêu, chúng tôi phân ra thành 2 lộ trình. Lộ trình A sẽ được tiến hành ngay trong năm 2023, được áp dụng với các chỉ tiêu sẵn có. Lộ trình B sẽ được thực hiện từ năm 2026, có 19 chỉ tiêu, là các chỉ tiêu mới".
Đáng chú ý, trong 72 chỉ tiêu, có 1 chỉ tiêu tăng trưởng xanh tổng hợp. Chỉ tiêu này sẽ đánh giá bức tranh tổng thể về các chiều của tăng trưởng xanh có tác động như thế nào với nhau và với nền kinh tế.
Các chỉ tiêu thống kê được cụ thể bằng chỉ số từng ngành
Trao đổi với phóng viên VTVMoney, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, sẽ cần nhiều thời gian để có thể thu thập dữ liệu. Ví dụ như với 19 chỉ tiêu thuộc lộ trình B, được thực hiện từ năm 2026, là các chỉ tiêu mới, khó thu thập, hoặc quá trình thu thập mất nhiều thời gian, công sức. Còn các chuyên gia cho rằng, mỗi chỉ tiêu được đưa ra cần có các chỉ số cụ thể hơn cho từng ngành, lĩnh vực.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh vừa được ban hành là tổng lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cần phải cụ thể hoá tiêu chí này bằng các chỉ số của từng ngành vì riêng với ngành nông nghiệp cần tính đến lượng phát thải ròng.
Ông Trần Đại Nghĩa, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chiến lược Nông nghiệp Nông thôn, nói: "Ví dụ như ngành nông nghiệp thì phát thải ròng quan trọng hơn nhiều nguồn phát thải vì ngành nông nghiệp có rất nhiều lĩnh vực hấp thu như lâm nghiệp, các chỉ tiêu của lâm nghiệp chủ yếu nói đến việc hấp thu khí nhà kính".
Hơn nữa, hiện thực hoá tiêu chí tổng lượng phát thải ròng thì nó cũng sẽ phù hợp với định hướng đến mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Ông Trần Đại Nghĩa cho biết thêm: "Bên ngành nông nghiệp cũng đã dự thảo bộ chỉ tiêu nhưng về mặt nguyên tắc chờ các nguyên tắc chung".
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một vài chỉ tiêu cũng được đưa ra trong Bộ tiêu chí như: lượng phân bón hoá học bình quân sử dụng trên mỗi hecta, tỷ lệ diện tích đất được tưới tiết kiệm nước, hay tỷ lệ cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải bằng biogas…
Các bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh quốc tế
Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB) và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI)… đã nghiên cứu và đề xuất các bộ tiêu chí/chỉ số đo lường tăng trưởng xanh làm công cụ, đánh giá mức độ "xanh" cũng như cơ sở để đầu tư, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá tăng trưởng xanh cho nhiều quốc gia nhất phải kể đến bộ tiêu tiêu chí của OECD và bộ tiêu chí của GGGI.
Khung đo lường tăng trưởng xanh OECD
Theo báo cáo của OECD tính đến nay đã có 28 quốc gia bao gồm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã dựa vào Khung Đo lường Tăng trưởng xanh của OECD (Green growth indicators framework) để phát triển bộ chỉ số của riêng họ.
OECD đã đề xuất 4 nội dung đánh giá giám sát TTX, bao gồm:
- Hiệu suất Tài nguyên và Môi trường
- Nền tảng tài sản thiên nhiên
- Chất lượng cuộc sống về môi trường;
- Cơ hội kinh tế và phản hồi chính sách
Tổng hợp báo cáo theo bộ chỉ số mới nhất cho thấy, các quốc gia thuộc OECD đã có sự tiến bộ đáng kể, nhiều nước đã có dấu hiệu tăng trưởng xanh. Cụ thể, phần lớn các quốc gia sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ môi trường có sẵn hiệu quả hơn, họ đã giảm thiểu ô nhiễm không khí và một số rủi ro đi kèm cho người dân. Nhiều quốc gia đã ổn định việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo (gỗ, thủy hải sản, nước ngọt) và đang tiến tới các thực hành quản lý bền vững hơn.
Chỉ số tăng trưởng xanh GGGI
Năm 2019, Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu, viết tắt là GGGI hợp tác với OECD và Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc công bố báo cáo Chỉ số tăng trưởng xanh, đánh giá tình hình tăng trưởng xanh của nền kinh tế trên thế giới.
Chỉ số này đo lường hiệu quả hoạt động của quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu bền vững bao gồm:
- Mục tiêu phát triển bền vững
- Thỏa thuận khí hậu Paris
- Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi cho bốn khía cạnh tăng trưởng xanh: sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững, bảo vệ vốn tự nhiên, cơ hội kinh tế xanh và hòa nhập xã hội.
Năm 2022, có 156 quốc gia được tiến hành đánh giá trên thang điểm 100. Thuỵ Điển là quốc gia dẫn dầu ề chỉ só tăng trưởng xanh, với 77,61 điểm.
Năm 2021, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp sau đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững. Dù còn cần nhiều thời gian để thu thập, hoàn thiện thông tin, dữ liệu, nhưng việc có một Bộ chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh cũng sẽ là cơ sở để các Bộ ngành, địa phương căn cứ thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!