Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT về tình hình tồn đọng gà, lợn tại các tỉnh phía Nam, hiện giá gà công nghiệp hơi còn 6.000 - 7.000 đ/kg, tiếp tục giảm so với giá bình quân tháng trước khoảng 30% trong khi giá thành sản xuất gà siêu thịt hiện nay đã vào khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, đó là còn chưa kể đến phí quản lý, dịch bệnh... Người nuôi gà siêu thịt đang bị lỗ nặng.
Tại thủ phủ gà trắng Đồng Nai, giá thành một kg gà lông trắng là 28.000 đồng, nhưng nay, giá bán chỉ còn 1/4 con số trên. Cầm chắc khoản lỗ nặng, nhưng không phải dễ bán được gà trong thời điểm này. Ghi nhận tại một trang trại ở tỉnh Đồng Nai, 2 tuần nay đã tồn ứ hơn 100.000 con gà lông trắng, mỗi ngày tiêu tốn hơn 300 triệu đồng tiền thức ăn, và gà càng nuôi to càng mất giá.
Việc giá gà giảm mạnh trong thời gian qua được cho là do dứt gẫy chuỗi cung ứng. Nhu cầu giảm, vận chuyển lưu thông khó, cơ sở giết mổ bị đóng cửa làm cho việc tiêu thụ gà giảm mạnh.
"Ách tắc ở chỗ nhà máy giết mổ, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh có mấy nhà máy giết mổ lớn có F0 nên buộc phải đóng cửa. Khi nhà máy đóng cửa thì gà đến lứa, đến tuổi không đưa về đó giết mổ được cho nên xảy ra tình trạng ùn ứ", ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện có hơn 9 triệu con gà đang vẫn còn trong chuồng, chưa thể xuất bán, tương đương với sản lượng thịt từ 26,7- 28,3 ngàn tấn.
Hiện đang tồn đọng một lượng lớn gia cầm do ách tăng trong khâu lưu thông, giết mỗ... (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Tiêu thụ không lưu thông khiến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn, chần chừ trong việc tái đàn. Hiện các trại gà giống đã giảm lượng trứng giống đưa vào ấp hoặc ngưng không ấp trứng. Dự báo sau 3 tuần nữa, lượng gà sẽ giảm rất nhiều.
Thậm chí, Bộ NN&PTNT còn dự báo, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu thực phẩm gia cầm vào dịp tết Nguyên đán năm nay, bởi khi người chăn nuôi chưa xuất được đàn cũ đi thì việc tái đàn mới cũng sẽ rất khó, do hạn chế chuồng trại đã thiết kế sẵn. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh vai trò của các cơ sở giết mổ, chế biến.
Theo cơ quản lý, các doanh nghiệp và cơ sở giết mổ cần phải đầu tư công suất lớn khẩn trương, chuẩn bị phương án chi viện nếu các cơ sở ở các địa phương lân cận gặp sự cố vì dịch COVID-19. Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập hai đoàn công tác đặc biệt ở cả hai miền để giúp kết nối các cơ sở giết mổ với cơ sở chăn nuôi.
"Trong bối cảnh này, các cơ sở giết mổ, chế biến phải có dự trữ tối đa nhất, giúp người xuất không ứ đọng lại sản phẩm trong chuồng. Điều này sẽ giúp người chăn nuôi chủ động việc tái đàn, tăng đàn. Đồng thời các cơ sở có thể dự trữ được nguồn thực phẩm để chủ động cho tiêu dùng nếu kịch bản dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp", ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết.
Bộ NN&PTNT dự báo có thể có một đợt khủng hoảng thiếu thực phẩm gia cầm vào dịp tết Nguyên đán năm nay (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi cho biết đã sẵn sàng tăng công suất, tăng dự trữ hỗ trợ người nuôi và dự trữ cho thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn còn trong dài hạn, vẫn cần giải quyết điểm nghẽn lớn nhất ở khâu phân phối.
Tại một tổ hợp chế biến gà thường cung cấp cho TP Hồ Chí Minh 150 tấn mỗi ngày, tuy nhiên do dịch bệnh con số này giảm đi một nửa. Tuy vậy, họ chấp nhận thua lỗ hàng tỷ đồng để cố gắng những ngày qua vẫn thu mua khoảng 50.000 con mỗi ngày với giá cao hơn thị trường, để tích trữ đông. Mong muốn của tổ hợp này là sớm có thêm nhiều điểm phân phối thay thế các chợ đầu mối để hàng hóa được tiêu thụ nhiều hơn.
Trong khi mỗi ngày, hệ thống liên kết tại một doanh nghiệp tiếp nhận khoảng 60.000 con gà để giết mổ, áp lực đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cả hệ thống là rất lớn. Nhưng theo đại diện doanh nghiệp việc này không thể áp dụng mãi được. Và họ rất cần chính quyền hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19
"Môi trường giết mổ là dễ lây nhiễm, nên cần có hướng dẫn đảm bảo an toàn. Cùng như giúp cho các trại chăn nuôi lớn có vaccine sớm cho nhân viên để ổn định sản xuất”, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á - Công ty TNHH De Heus đề xuất.
Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến gà lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyện con giống, các loại vật tư, thức ăn chăn nuôi được lưu thông nhanh chóng hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!