Nhiều ô tô cả mấy tháng không đi nhưng khi đi đăng kiểm, vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ cho thời gian không đi. Với xe container, mức phí là 17 triệu đồng mỗi năm cho 1 xe, bất kể có đi hay không.
Khi chở hàng từ Hải Phòng đi Lào Cai, đi cao tốc, mức phí phải nộp cho 2 lượt đi về là gần 4 triệu đồng. Nếu trên Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, phải qua 29 trạm thu phí với mức phí 2 lượt đi về là hơn 9 triệu đồng. Những chi phí này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Trong khi ô tô đang phải đóng 2 mức phí bảo trì đường bộ và phí BOT thì mô tô ngược lại lại được miễn. Đây là điều không công bằng giữa các xe kinh doanh vận tải. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong cuộc họp hồi tháng 8 vừa qua, đã đề nghị bỏ quỹ bảo trì đường bộ này. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là đề xuất hợp lý.
2 tuần trước đây, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến về đề xuất bãi bỏ 4 văn bản về quỹ bảo trì đường bộ, nhưng vẫn khẳng định hiện tại người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp phí này.
Luật phí và lệ phí yêu cầu "thu phí phải đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân". Phí bảo trì đường bộ hiện đang không công bằng giữa ô tô và xe máy, không công bằng giữa xe đi nhiều, đi ít, không đi. Nhưng nếu bỏ quỹ mà người dân và doanh nghiệp vẫn phải đóng phí thì việc bãi bỏ quỹ không có ý nghĩa với người dân và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!