Trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm nay đối với 4 địa phương Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương.
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0) để phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn, mới xem xét bố trí kế hoạch vốn cho dự án khởi công mới đảm bảo đúng quy định về nguyên tắc phân bổ vốn.
Đồng thời, khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án để không ảnh hưởng đến giải ngân vốn; triển khai các giải pháp để đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án ngay từ những tháng đầu năm; kịp thời, chủ động tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Cụ thể là chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan để giải quyết các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý các vướng mắc vượt thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ trưởng cũng đề nghị các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu.
Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn, bảo lãnh tạm ứng, mức vốn tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, có hiệu quả.
Đối với cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức "kiểm soát trước, thanh toán sau" theo quy định, các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức "thanh toán trước, kiểm soát sau" đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Theo đó, về kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng chính phủ giao cho 4 địa phương là trên trên 31,4 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết của 4 địa phương là trên 41,7 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân của 4 địa phương tính đến ngày 31/3 được 2.791 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 4 tháng năm 2023 giải ngân được 4,2 nghìn tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, các địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Cụ thể, tỉnh Đắk Nông 36 dự án; Gia Lai 21 dự án; Đồng Nai 9 dự án; Bình Dương 21 dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!