Ảnh minh họa - VGP.
Theo điều 5 Nghị định 64/2008, ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo Nghị định này nhằm thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, Bộ Tài chính có bổ sung quy định cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, với hai phương án.
Phương án một, cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (hiện vật).
Cá nhân cần thông báo cho chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ, để được phối hợp, hướng dẫn phân phối nguồn đóng góp và đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất, các khoản do cá nhân vận động quyên góp phải đảm bảo công khai, minh bạch. "Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu".
Phương án hai, khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân thì cá nhân được phép vận động cứu trợ để hỗ trợ khắc phục khó khăn.
Với các tổ chức đứng ra vận động cứu trợ, dự thảo nêu trước khi cứu trợ, tổ chức phải công khai địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hàng; công khai những trường hợp được hỗ trợ và mức hỗ trợ.
Dự thảo của Bộ Tài chính nêu các tổ chức, cá nhân khi vận động quyên góp cứu trợ bắt buộc công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở hoặc địa điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc trên trang thông tin điện tử (nếu có), thời gian 30 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!