Sáng 21/8, đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ, không giống như năm 2023 thiếu điện cục bộ.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cách tính giá điện bậc thang hiện chưa phù hợp với nhu cầu của người dân khi bậc 1 chỉ tới 50kWh cho sinh hoạt. Hơn nữa, người dân tiêu thụ điện và trả tiền cho EVN lại còn phải chịu mức thuế 10% VAT là chưa hợp lý.
"Xin Bộ trưởng lý giải thêm việc này, liệu có miễn thuế VAT và nâng mức ở thang bậc 1 từ 50kWh lên 100kWh cho người tiêu dùng hay không?", đại biểu Hòa nêu câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong dự thảo vừa trình Chính phủ, biểu giá điện từ 6 bậc giảm còn 5 bậc và bậc 1 nâng từ 0-50kWh lên 0-100kWh
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của các quốc gia, nhằm giúp khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.
Tại Việt Nam, theo Quy định 28 năm 2014, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian vừa qua, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung quy định này.
Trong dự thảo vừa trình Chính phủ, thang từ 6 bậc giảm còn 5 bậc và bậc 1 nâng từ 0-50kwh lên 0-100kwh.
"Như vậy, kiến nghị của đại biểu đã được tiếp thu, trình Chính phủ. Mục tiêu nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng thời giữ được mức hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách Nhà nước ở số điện lên đến 30kWh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy định còn nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện.
Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Về thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là quy định của Luật Thuế để đáp ứng với mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch.
Cho nên có bỏ được thuế này trong hóa đơn tiền điện hay không thì Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời điểm này rõ hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý
Về đề nghị của Bộ Công Thương giảm thuế để bảo giảm giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý.
Thời gian qua, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh (giảm 200.000 tỷ đồng). Liên quan đến điện bậc thang, điện sinh hoạt đã có quy định hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách; áp dụng điện bậc thang đối với hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện.
Thu về ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng liên quan vi phạm gian lận thương mại
Liên quan đến vấn đề chống hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi được đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng chống gian lận thương mại của các địa phương, yêu cầu các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hơn nữa truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan (công an, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng)…
"Với những biện pháp đó đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm và thu về ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng liên quan đến hành vi vi phạm gian lận thương mại", ông Diên nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!