Tại hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu cho thấy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.
Giai đoạn 2016-2020, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài được Quốc hội giao là 360.000 tỷ đồng nhưng đến nay, giải ngân mới đạt 54%. Năm 2019, Quốc hội giao dự toán là 60.000 tỷ đồng thế nhưng, 5 tháng đầu năm nay mới chỉ giải ngân được 1.605 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán.
"Đây là con số rất báo động. Chúng ta tập trung thảo luận làm rõ các nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân chậm trong thời gian qua" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Tiến độ giải ngân qua các năm đang ngày càng chậm dần. Trong khi năm 2016 giải ngân đạt 81% thì đến năm 2018 giảm chỉ còn 53% dự toán Quốc hội giao. Việc chậm giải ngân đã tạo ra một nghịch lý có tiền mà không tiêu được nhưng vẫn phải trả lãi.
Một số nguyên nhân chính đã được chỉ ra như vướng mắc về thủ tục đầu tư, vướng mắc về thủ tục giải ngân, rút vốn. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu vốn so với nhu cầu, và phân bổ chậm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị trong thời gian tới cần đơn giản hóa thủ tục giải ngân vốn đầu tư công trung hạn. Giao vốn hàng năm cần được thực hiện sớm ngay từ tháng 1. Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công mới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn. Kiến nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm nay.
Không vay vốn ODA bằng mọi giá VTV.vn - Nhiều ĐBQH cho rằng nhà đầu tư không nên thu hút vốn vay ODA bằng mọi giá cũng như không dễ dãi khi đàm phán ký hiệp định vay vốn với các điều khoản bất lợi thuộc về mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!