CNN cho rằng, dù hình thức trả lời trực tuyến có thể sẽ giảm bớt không khí căng thẳng của phiên điều trần nhưng những vấn đề được đưa ra vẫn không kém phần hóc búa.
Những CEO của nhóm "GAFA" đầy quyền lực nhưng họ lại là những đối tượng bị chất vấn, từ các nghị sĩ tại Đồi Capitol.
"Google kiểm soát hầu hết mọi lượt tìm kiếm ở Mỹ. Amazon chiếm hơn một nửa hoạt động bán hàng trực tuyến. Facebook có hơn 2,7 tỷ người dùng thường xuyên. Apple đang bị xem xét chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi trên App Store”, ông David Cicilline - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ phụ trách chống độc quyền nói.
4 CEO của Amazon, Apple, Google và Facebook tham gia phiên điều trần. Nguồn: businessinsider
Dĩ nhiên các ông lớn công nghệ đều khẳng định các cáo buộc đang được đưa ra với họ là không có căn cứ. Google hay Facebook đều dẫn chứng hàng loạt đối thủ đang cạnh tranh với họ trên thị trường. Apple thuê hẳn một khảo sát độc lập để chứng minh rằng "thuế Apple" mà họ thu trên App Store thực ra không cao hơn các nền tảng khác.
Còn theo các chuyên gia, sự kiện này có thể đánh dấu một giai đoạn mới, khi giới chức Mỹ sẽ nhìn nhận lại các quy định chống độc quyền, nhằm siết chặt sự giám sát với các ông lớn công nghệ vốn đang bị cho là có quá nhiều quyền lực.
Logo của 4 ông lớn công nghệ Hoa Kỳ (Ảnh: Psu.edu)
Ông William Kovacic - Cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho hay: “Các CEO sẽ không bước vào điều trần với "vầng hào quang" thường thấy, mà là sự ngờ vực rằng họ đang đóng vai trò nào với người dân. Giới nghị sĩ của cả 2 đảng đều chung giọng điệu chỉ trích - một bầu không khí không có lợi cho các ông lớn công nghệ”.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, theo sau phiên điều trần này sẽ là những động thái mạnh tay hơn - những vụ M&A khổng lồ gần đây của các ông lớn này có thể là đối tượng điều tra tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!