Người dân đi bộ đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ở Seoul. (Ảnh: Bloomberg)
Trong thông báo mới nhất, BOK cho biết đã nâng lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm % lên 1,5%. Trước đó, BOK được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 4 này để chờ sự bổ nhiệm chính thức của thống đốc mới.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 3 tăng tới 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng nhanh nhất trong hơn 10 năm qua, đã buộc BOK phải hành động sớm hơn.
Bên cạnh đó, các động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Canada, New Zealand thời gian qua và có thể là cả Mỹ trong thời gian tới, cũng góp phần thúc đẩy giới chức BOK thay đổi quan điểm.
Từ tháng 8/2021, BOK đã thực hiện 3 đợt tăng lãi suất cơ bản, trong đó đợt tăng lãi suất gần nhất là vào tháng 1/2022 sau khi duy trì chi phí đi vay ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 2 năm để ứng phó đại dịch.
Quyết định tăng lãi suất của BOK trong tháng này được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại dai dẳng về áp lực lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, nhu cầu phục hồi từ đại dịch, đồng thời giá dầu và hàng hóa tăng cao hơn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hàn Quốc đứng ở mức 106,06 trong tháng 3/2022, tăng 4,1% so với cùng thời điểm của năm 2021 và là mức tăng nhanh nhất trong hơn 10 năm. Con số này cao hơn mức tăng 3,7% của tháng 2 và cao nhất kể từ tháng 12/2011 khi giá tiêu dùng được ghi nhận tăng ở mức 4,2%.
Áp lực lạm phát ngày càng tăng ở Hàn Quốc không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nhiều nhà kinh tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Hàn Quốc với sự kết hợp của kinh tế đình trệ và lạm phát kéo dài.
Năm 2022, giá tiêu dùng tăng dần trong bối cảnh bất ổn địa chính trị không ngừng gia tăng ở Đông Âu. Điều này làm tăng khả năng giá tiêu dùng hàng năm của Hàn Quốc cao hơn mức 3,1% mà BOK dự đoán trước đó.
Dù nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang trên đà phục hồi mạnh mẽ (từ sự suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra) nhờ xuất khẩu mạnh, nhưng vẫn phải đối mặt với những bất ổn kinh tế gia tăng ở cả trong và ngoài nước: đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, xung đột Nga - Ukraine và các đợt thực thi giãn cách xã hội nghiêm ngặt do COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!