"Hàng ngon với giá cả hợp lý" là tiêu chí bán kim chi của bà Choi Sun-hwa, nhưng với tình hình hiện nay, bà không thể không cân nhắc việc tăng giá.
"Giá các nguyên liệu đều tăng. Ví dụ trước tôi mua được 10 cây cải thảo, thì cũng số tiền ấy, bây giờ chỉ mua được 7 cây. Tôi nghĩ mình sẽ phải tăng giá mới giữ được việc kinh doanh", bà Choi Sun-hwa, chủ cửa hàng bán kim chi, cho biết.
Tại thủ đô Tokyo của Nhật bản, ông Yusuke Iwai, chủ cửa hàng mì Udon, đã phải tăng giá bán khoảng 14% từ đầu tháng 4 này để bù đắp cho sự tăng giá chưa từng thấy của các loại nguyên liệu từ bột mì đến dầu ăn.
Lạm phát khiến các bữa ăn trở nên đắt đỏ hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Medium)
"Tôi phải tăng giá bán 1 chút. Đó là một quyết định rất đau lòng", ông Yusuke Iwai, chủ cửa hàng mì Udon, chia sẻ.
Mọi chuyện cũng không diễn ra như mong đợi đối với anh Mã Hồng, khi anh mở cửa hàng lẩu Trùng Khánh đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối năm 2021. Giá các loại thịt, cá, rau, củ, dầu ăn đều tăng. Chi phí vận tải cũng tăng do chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch. Tuy nhiên, anh Mã chưa tính đến việc tăng giá bán.
"Ví dụ, giá thịt bò chỉ khoảng hơn 12 USD/kg khi tôi mới mở cửa, bây giờ đã lên tới gần 20 USD/kg. Tuy nhiên tôi vẫn đang bán với giá cũ. Chúng tôi không phải nhà hàng duy nhất gặp khó khăn", anh Mã Hồng, chủ cửa hàng lẩu Trùng Khánh, cho hay.
Các báo cáo về triển vọng kinh tế cho thấy, lạm phát tăng cao sẽ khiến nhiều nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với dự báo trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!