"Bom nợ" Evergrande có trở thành Lehman Brothers?

Thùy An-Thứ ba, ngày 21/09/2021 15:41 GMT+7

VTV.vn - Sụp đổ vào ngày 15/9/2008, Lehman Brothers được xem là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài trong nhiều năm sau đó.

Hôm nay (21/9), chứng khoán toàn cầu đã rung lắc mạnh trước nguy cơ sụp đổ của gã khổng lồ bất động sản của Trung Quốc, Evergrande - công ty đang mang trên mình số nợ lên đến hơn 300 tỷ USD.

Tại Mỹ, chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 614 điểm, tương đương 1,8%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch kể từ ngày 19/7. S&P 500 vừa ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5 khi mất 1,7% giá trị. Trong khi Nasdaq Composite cũng mất 2,2% giá trị.

Không riêng tại Mỹ, đêm qua, tình trạng bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.

Bom nợ Evergrande có trở thành Lehman Brothers? - Ảnh 1.

Evergrande gây lo ngại về sự đổ vỡ dây chuyền giống như vụ phá sản của Lehman Brothers vào năm 2008

Liệu Evergrande có đi theo "vết xe đổ" của Lehman Brothers qua đó gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như vào năm 2008? Cuộc khủng dẫn tới những đổ vỡ tài chính, suy thoái kinh tế, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.

"Thực tế, Evergrande là một công ty quá lớn để có thể sụp đổ, và tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ có những can thiệp nhất định.

Tôi nghĩ họ sẽ không đứng ra nắm quyền quản lý nhưng công ty này sẽ vẫn được tái cấu trúc theo cách ít gây tổn hại nhất lên nền kinh tế, và thậm chí là ảnh hưởng tới các thị trường tài chính hoặc nền kinh tế toàn cầu, không giống như trường hợp của Lehman", Ed Yardeni, Chủ tịch công ty Yardeni Research nhận định.

Evergrande là một công ty quá lớn để có thể sụp đổ

Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research

Ed Yardeni cho rằng vụ việc của Evergrande sẽ không nghiêm trọng như trường hợp của Lehman Brothers. Thay vào đó, Ed Yardeni cho rằng khủng hoảng nợ tại Evergrande đang có những điểm tương đồng với một sự kiện khác, xảy ra cách đây đã hơn 2 thập kỷ - Long-Term Capital Management.

"Evergrande giống với trường hợp của Long-Term Capital Management, xảy ra năm 1998, nhưng đã được xử lý bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED và các ngân hàng lớn, do đó không có tác động lớn nào đến thị trường tài chính toàn cầu", Yardeni cho biết.

Bom nợ Evergrande có trở thành Lehman Brothers? - Ảnh 3.

Evergrande đang ôm khoản nợ hơn 300 tỷ USD

Trong khi đó theo các nhà phân tích Barclays cũng cho rằng Evergrande khác với Lehman Brothers. Theo đó, vào năm 2008 khi mà Lehman Brothers sụp đổ thì các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ gần như "đứng ngoài cuộc".

Với Evergrande, điều này khó có thể xảy ra với Trung Quốc. Một báo cáo mới đây của National Bureau of Economic Research cho biết, đóng góp của bất động sản vào khoảng 30% tổng tài sản của nền kinh tế Trung Quốc. Cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng 15% tại Mỹ, hay Anh là 20%.

Theo các nhà phân tích Barclays, ngay trong những tình huống cực đoan nhất khi mà thị trường vốn đóng cửa với tất cả các công ty bất động sản, những nhà quản lý của Trung Quốc vẫn có thể chỉ đạo các ngân hàng bơm tiền, qua đó có thêm thời gian tái cơ cấu.

Còn với tình hình hiện tại của Evergrande, Barclays cũng cho rằng trong trường hợp xấu, tầm ảnh hưởng cũng không quá lớn như Lehman Brothers. Cụ thể theo Barclays, trong hơn khối nợ 300 tỷ USD thì chỉ có một phần nhỏ là chứng khoán tài chính.

Với khoản vay ngân hàng khoảng 35 tỷ USD, Barclays cho rằng trong trường hợp vỡ nợ, các ngân hàng rất ít có khả năng thu hồi vốn, thì số tiền này dường như không đủ lớn để có thể gây nguy hiểm trước nguy mô của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện nay. Ước tính hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có tài sản từ 40.000 – 45.000 tỷ USD, và tổng các khoản vay hơn 30.000 tỷ USD.

Tương tự, Barclays cũng cho biết cũng khó có thể nhìn thấy những mối đe dọa hiện hữu để gây ra một cuộc đỗ vỡ dây chuyền từ khoản nợ nước ngoài trị giá 15,7 tỷ USD hay 56 tỷ Nhân dân tệ trong khoản nợ trái phiếu trong nước của Evergrande.

Ngoài ra, Barclays cũng nghi ngờ khả năng rủi ro từ Evergrande có thể khiến cho các công ty bất động sản Trung Quốc đối diện với chi phí đi vay tăng cao hơn. Bởi hiện một số công ty hiện đã phát hành trái phiếu ở mức lãi suất lên đến 15%.

Bom nợ Evergrande có trở thành Lehman Brothers? - Ảnh 4.

Barclays nghi ngờ về một cuộc đỗ vỡ dây chuyền liên quan đến Evergrande

Còn S&P Global Ratings nhận định rằng họ không hy vọng Bắc Kinh sẽ cung cấp bất kỳ hỗ trợ trực tiếp nào cho Evergrande.

"Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ buộc phải can thiệp nếu có một sự lây lan sâu rộng khiến nhiều nhà phát triển bất động sản lớn thất bại và gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế. Việc Evergrande thất bại một mình sẽ khó có thể dẫn đến một kịch bản như vậy", S&P Global Ratings dự báo.

Tương tự các nhà phân tích tại Citi cho rằng những nhà quản lý của Trung Quốc có thể "câu giờ" bằng cách hướng dẫn các ngân hàng không rút tín dụng và kéo dài thời hạn trả lãi.

Evergrande sẽ "bước ra khỏi thời điểm đen tối nhất"

Chủ tịch của Evergrande, Hui Ka Yuan

Trong một bức thư gửi nhân viên nhân dịp Tết Trung thu, Chủ tịch Hui Ka Yuan của Evergrande nhấn mạnh công ty tự tin sẽ "bước ra khỏi thời điểm đen tối nhất" và cung cấp các dự án bất động sản như đã cam kết. Hui Ka Yuan cũng nhấn mạnh sẽ hoàn thành trách nhiệm với người mua bất động sản, nhà đầu tư, đối tác và các tổ chức tài chính.

Những dự báo của các nhà phân tích cũng như lời hứa của Chủ tịch Hui Ka Yuan sẽ phần nào được kiểm chứng ngay trong tuần này khi mà Evergrande sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi liên quan đến trái phiếu vào thứ Năm. Xa hơn là khoản thanh toán 47,5 triệu USD đến hạn vào ngày 29/9.

Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc Evergrande được Xu Jiayin thành lập vào năm 1996. Ông này đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ thị trường bất động sản của nước này vào những năm 1990.

Xu Jiayin đã đổ tiền vào các dự án phát triển hàng loạt ở các thành phố mới, huy động được 9 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2009 tại Hong Kong (Trung Quốc)

Song hoạt động của Evergrande bắt đầu đi xuống khi Chính phủ Trung Quốc áp đặt "3 lằn ranh đỏ" mới đối với lĩnh vực bất động sản vào tháng 8/2020. Diễn biến đó buộc tập đoàn này phải bán bớt các bất động sản với mức chiết khấu ngày càng cao, dẫn tới thua lỗ nặng nề.

Evergrande lớn đến cỡ nào?

Theo CNBC, Evergrande có mặt ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh chính tập đoàn này là là bất động sản và hiện Evergrande công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, tính theo doanh số bán hàng.

Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc.

Chi nhánh quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia vào gần 2.800 dự án trên hơn 310 thành phố ở Trung Quốc.

Công ty có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xe điện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất video và truyền hình và thậm chí kinh doanh một công viên giải trí.

Theo trang web của công ty, Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên, nhưng gián tiếp tạo ra hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước