Bloomberg đưa ra cảnh báo trên là do chính sách tiền rẻ được ngân hàng trung ương các nước đưa ra trong thời gian đại dịch. Lãi suất giảm về 0%, các chương trình mua tài sản tăng ồ ạt. Những gói cứu trợ từ các ngân hàng trung ương khiến giá tài sản tăng cao, định hình lại cách tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu.
Không như các chương trình hỗ trợ kinh tế trước đây, lần này các giới chức tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng cho quá trình phục hồi hậu COVID-19.
Chiến lược rõ ràng của chính sách này là khiến vay nợ trở nên rẻ hơn, để ngăn tiết kiệm và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, tác dụng phụ không thể tránh khỏi là biến động giá sẽ tăng khi các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận trên khắp thế giới. Điều này cũng là rủi ro. Bloomberg cho rằng giá tài sản tăng vọt sẽ phá hoại sự ổn định trước khi nền kinh tế thực sự hưởng lợi từ các chính sách đó.
Bitcoin liên tiếp lập kỷ lục, dù có biến động. (Ảnh: CNBC)
Ông Agustín Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Basel, Thụy Sỹ), cho biết: "Không có cách nào để xử lý việc này. Khi thanh khoản tăng lên đáng kể, tiền sẽ tìm đến nơi có lợi nhuận và chắc chắn khiến tài sản bị định giá sai. Đây là một rủi ro cần được theo dõi một cách cẩn thận".
Khi dịch bệnh lây lan, các biện pháp đóng cửa kinh tế được triển khai, hầu hết các ngân hàng trung ương đã vào cuộc. Lãi suất giảm về 0%, các chương trình mua tài sản tăng ồ ạt. Hầu hết các chương trình này được cam kết giữ nguyên trong vài năm tới.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, các Chính phủ tung ra ít nhất 12.000 tỷ USD qua các gói kích thích kinh tế. Các ngân hàng trung ương cũng cung cấp thêm hàng nghìn tỷ USD.
Dấu hiệu bong bóng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, khi giá cổ phiếu tăng chưa từng thấy kể từ kỷ nguyên dot-com. Các đợt chào bán cổ phần mới ồ ạt. Bitcoin liên tiếp lập kỷ lục, dù có biến động. Xu hướng chung là giá các tài sản tài chính còn tiếp tục tăng.
Theo Alicia García-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis tại Hong Kong, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED, đã tạo ra bong bóng. Chuyên gia này cũng chỉ ra sự không đồng đều giữa sự bùng nổ của các thị trường tài sản và quá trình phục hồi kinh tế.
"Các ngân hàng trung ương biết họ đang làm gì. Về cơ bản, lợi nhuận các tài sản an toàn giảm sẽ làm tăng nhu cầu với các tài sản rủi ro. Một khi bạn làm điều đó, bong bóng có thể xuất hiện, nhưng cái giá phải trả cho việc không làm gì có lẽ còn cao hơn", Alicia nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!