Lạm phát cao đang khiến cuộc sống của người dân Mỹ khó khăn hơn mặc dù lương cũng được tăng. Theo CNBC, tốc độ tăng lương bình quân tại Mỹ hiện nay đang ở mức cao nhất mọi thời đại, nhưng vẫn không theo kịp đà tăng giá của các mặt hàng. Trong bối cảnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng đang thay đổi.
Lạm phát đang tiếp tục đẩy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao. Trong đó mức tăng mạnh nhất là giá xăng. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá trung bình cho 1 gallon, tương đương gần 3,8 lít xăng, đang ở mức 4,2 USD, cao hơn khoảng 1,5 USD so với cùng kỳ năm 2021. Khi giá xăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều người dân Mỹ đang dần phải thay đổi thói quen đi lại.
"Giá xăng đang đắt khủng khiếp. Nó thậm chí còn đắt hơn mỗi ngày. Đặc biệt là với sinh viên, thật sự khó để chi trả. Vì vậy bây giờ đi chung xe là một sự lựa chọn tốt", chị Demi Saygili, người dân Mỹ, bày tỏ.
Giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
"Thật không tốt. Giá xăng đang tăng. Và đây, tôi có một chiếc xe với động cơ 8 xi-lanh. Tôi đang đổ 20 USD tiền xăng cho mỗi 2 ngày để thử. Tôi đang cố gắng đi được nhiều dặm nhất so với những gì tôi đang làm", ông Tim Joyce, người dân Mỹ, chia sẻ.
Cùng với xăng dầu, một trong những mặt hàng thiết yếu khác là thực phẩm cũng đang tăng giá mạnh. Theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, giá thực phẩm ở quốc gia này đã tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Một số người tiêu dùng đang điều chỉnh bằng cách mua ít hàng đi hoặc chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn.
"Trước đây, khi đến các cửa hàng tạp hóa, tôi không mấy đắn đo về giá cả. Nếu mua một túi rau spinach, tôi sẽ lấy một túi mà không cần xem giá thế nào, nhưng bây giờ việc tôi phải làm là so sánh giá cả giữa các thương hiệu khác nhau, cần phải tập trung hơn khi ở trong cửa hàng", chị Abby Mitchell, người dân Mỹ, cho biết.
Để đối phó lạm phát, người tiêu dùng Mỹ cũng có xu hướng tích trữ hàng, ưu tiên mua sắm ở các cửa hàng giảm giá và lựa chọn mua trực tuyến thay vì đến trực tiếp cửa hàng để tiết kiệm chi phí đi lại. Khảo sát của một số doanh nghiệp lớn như Walmart hay Costco cũng cho thấy gần đây khách hàng đang có xu hướng thay đổi hàng vi mua sắm.
Theo các chuyên gia, tiết kiệm chi tiêu sẽ là một trong những xu hướng chính người tiêu dùng lựa chọn để đối phó với giá cả tăng cao. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, việc hạn chế chi tiêu sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ, nghĩa là lạm phát vẫn cao nhưng tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng cá nhân chững lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!