Nhiều ý kiến cho rằng VN-Index cần thời gian tích lũy dưới ngưỡng 1.450 điểm trước khi có thể đi lên tiếp. Tuy nhiên, triển vọng vẫn rất tích cực.
Theo cập nhật mới đây, hiện đã có 818 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, chiếm hơn 93,6% vốn hóa thị trường, trái với những dự báo về sự ảm đạm, đi ngang thậm chí suy giảm của bức tranh kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Nếu tính cả toàn thị trường thì toàn bộ doanh nghiệp và ngân hàng tăng trưởng ở mức 20,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nếu tách phần tăng trưởng của khối tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) ra, một nhóm vẫn tăng khá vững giữa dịch bệnh và chiếm 40% vốn hóa thị trường, khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn tăng trưởng đến 17,7%.
"Xanh vỏ đỏ lòng" là thuật ngữ được dùng để chỉ những phiên chỉ số chứng khoán tăng điểm nhưng số mã giảm lại nhiều hơn số mã tăng. Thuật ngữ này dùng để nói về bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 cũng phù hợp.
Dòng tiền đang đang có sự luân chuyển, tâm điểm hiện nay là nhóm ngân hàng, chứng khoán. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong 16 ngành phi tài chính, chỉ có 6 ngành tăng trưởng, sức tăng cũng không lan tỏa, chỉ tập trung vào một số nhóm như: tài nguyên cơ bản, hóa chất và dầu khí, các ngành hưởng lợi từ câu chuyện siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa.
"Những ngành hưởng lợi từ tăng giá hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng trong quý 3 có còn được hưởng lợi trong quý 4 nữa không? Cái này cần phải cân nhắc. Nó đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, vấn đề đứt gãy đã dịu bớt. Để định giá cải thiện, tăng trưởng còn thời gian tới phải cao hơn mức hiện tại", bà Đỗ Hồng Vân, chuyên viên Phân tích Cao cấp, Khối Dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup, cho biết.
Ngoài các nhóm hàng hóa, bất động sản cũng là cái tên gây bất ngờ khi vẫn có tăng trưởng dù phần lớn hoạt động mở bán cũng như hoàn thiện bàn giao trong quý 3 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giãn cách xã hội do COVID-19. Doanh thu thuần toàn ngành giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 65,6%, tạo tiền đề cho đợt sóng tăng giá cổ phiếu bất động sản thời gian qua.
Nếu ai bắt đúng sóng thì có thể đã kiếm được lợi nhuận vài chục % đến cả trăm %, còn ai lỡ đu đỉnh cũng đang nhận không ít "đau thương" và thậm chí hoang mang về triển vọng ngành.
"Cổ phiếu bất động sản có đặc thù riêng, đôi khi họ sở hữu dự án tốt nhưng tại thời điểm đó, tại quý đó chưa hạch toán doanh thu, lợi nhuận nên chưa thể hiện được bảng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đầu tư vào cổ phiếu bất động sản chúng ta phải định giá lại giá trị của dự án công ty sau đó trừ đi khoản nợ vay mới ra được giá trị của công ty. Lúc đó chúng ta mới so sánh mức độ giá trên thị trường, lúc đó chúng ta mới đưa ra kết quả kinh doanh phù hợp", ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận kinh tế, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!