Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vừa có thông báo tuyển dụng nhiều vị trí bán hàng tại TP.HCM. Như vậy là chỉ một thời gian ngắn nữa, hệ thống bán lẻ lớn nhất Nhật Bản này sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam, thị trường bán lẻ sẽ thêm sôi động và nhiều thách thức.
Việc các đại gia bán lẻ mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích cho thấy họ rất hiểu những đặc tính như dân số dàn trải, thói quen ngại đi xa của người Việt. Nếu suy xét kỹ, việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích đang cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng tạp hóa, kênh bán lẻ truyền thống của Việt Nam.
Tại đường D1, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trên đoạn đường dài chưa tới 1km nhưng đã có đến 5 cửa hàng tiện ích. Từ ngày các cửa hàng tiện ích xuất hiện, nhiều cửa hàng tạp hoá đã sụt giảm 2/3 doanh thu. 70% mặt hàng trong cửa hàng phải cắt giảm vì không bán được.
Sự chiếm ưu thế của các cửa hàng tiện lợi là do lượng hàng hóa phong phú, trưng bày đẹp mắt, giá cả niêm yết rõ ràng, không gian sạch sẽ và phục vụ 24/24h, do đó đã dần thay đổi thói quen của nhiều người tiêu dùng.
3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, trong khi đó, số cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52%.
Thống kê từ Nielsen, tại Việt Nam, số lượng cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang nhiều gấp 40 lần so với các cửa hàng bán lẻ hiện đại. Mặc dù giảm về doanh thu nhưng với đặc thù dân số dàn trải, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng tới 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt.
Thế nhưng từ trước đến nay, gần như không có một chính sách hỗ trợ nào cho kênh bán lẻ này, chính vì thế, dù sẵn có tiềm năng nhưng các cửa hàng tạp hoá truyền thống vẫn đang loay hoay trước sự đổ bộ như vũ bão của các doanh nghiệp ngoại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!