Từ khi nới lỏng biện pháp chống dịch, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã thể hiện quyết tâm tận dụng nhu cầu tiêu dùng nội địa để tái khởi động guồng máy kinh tế.
Nhờ những chính sách, định hướng của giới chức nước này, lĩnh vực tiêu dùng tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ. Theo báo cáo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), quy mô của thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới. Trong đó, tiêu dùng dịch vụ sẽ tăng trưởng nhanh hơn tiêu dùng hàng hóa.
Từ trung ương đến địa phương, hàng loạt các chính sách hỗ trợ đã được triển khai, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng và giải phóng tiềm năng tiêu dùng tại Trung Quốc.
"Các trung tâm thương mại đã tung ra rất nhiều lựa chọn tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của chúng tôi trong việc mua sắm, ăn uống và tham quan", anh Li Ran, người dân Trung Quốc, chia sẻ.
"Chúng tôi tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi trực tuyến và trực tiếp. Doanh số bán hàng của chúng tôi đạt 16,41 triệu Nhân dân tệ. Sự khởi đầu tốt đẹp này khiến chúng tôi tin rằng mùa xuân đã đến", ông Chen Xiaoqi, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử huyện Lưỡng Đương, cho biết.
Mức tiêu thụ xe cũng là một động lực mạnh mẽ để phục hồi nhu cầu mua sắm. Các nhà bán lẻ ở Quảng Châu, Trịnh Châu và Trường Xuân, 3 cơ sở sản xuất ô tô lớn ở Trung Quốc, đã tung ra nhiều lựa chọn hơn với giá ưu đãi, dẫn đến sự bùng nổ tiêu dùng.
Lĩnh vực tiêu dùng tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ. (Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily)
Trong khi đó, thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc cũng đã đưa ra các chính sách tài chính hỗ trợ để cung cấp các khoản vay và giảm gánh nặng tiêu dùng cho người dân.
"Chúng tôi đã phát hành phiếu giảm giá độc quyền cho tiêu dùng tài chính xanh và hơn 20 sản phẩm cho vay với lãi suất chiết khấu. Trọng tâm là thúc đẩy nhu cầu dành cho các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng và các phương tiện năng lượng mới, ước tính có thể thúc đẩy tiêu thụ xanh hơn 30 tỷ Nhân dân tệ", ông Feng Siyuan, Trưởng bộ phận tổ chức tài chính phi ngân hàng, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trùng Khánh, cho hay.
Du lịch nội địa cũng là một trong những lĩnh vực phục hồi đầu tiên. Nhiều địa điểm du lịch truyền thống đã bùng nổ với lượng khách tham quan.
"Chúng tôi đã làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của mình. Lượng du khách đến các địa danh du lịch về nguồn đã tăng 40% so với năm 2022", ông Guo Xiaohua, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình, Du lịch Vân Đô, thông tin.
Tỉnh Hắc Long Giang có kế hoạch phát hành phiếu giảm giá trị giá 600 triệu Nhân dân tệ (khoảng 86,26 triệu USD) để thúc đẩy du lịch băng tuyết địa phương, trong khi tỉnh Cam Túc tăng cường quảng bá nông sản để thúc đẩy tiêu dùng.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến thêm điểm sáng khi chỉ số của ngành dịch vụ nước này tăng lên mức 54,4 điểm từ mức 41,6 điểm trong tháng 12/2022.
Chính phủ Trung Quốc công bố sẽ khuyến khích tiêu dùng như động lực quan trọng của nền kinh tế hiện đang đương đầu với những cú sốc từ xuất khẩu suy giảm.
Dữ liệu chính thức từ giới chức Trung Quốc, gồm khảo sát kinh doanh và doanh số bán hàng cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến từ các ngành dịch vụ, như nhà hàng, quán bar và du lịch. Điều đó có nghĩa là động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không còn đến từ nhiều trụ cột lớn như những năm trước.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng này, chẳng hạn như các công ty Mỹ, từ đồ ăn nhanh đến thời trang xa xỉ đã có chiến lược tăng sự hiện diện, nhằm tận dụng làn sóng mua sắm diễn ra tại đây.
McDonald's và Starbucks sắp mở thêm hàng trăm cửa hàng mới tại Trung Quốc. Các hãng bán lẻ Ralph Lauren và Tapestry chuẩn bị ra mắt các cơ sở mới. Các hãng chế biến thịt Tyson Foods và Hormel Foods cũng tăng hiện diện tại đây khi nhận thấy nhu cầu thức ăn kiểu Mỹ tăng lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!