Trên mặt trận chống buôn lậu đường cát ở biên giới Tây Nam, việc này lại càng phổ biến. Dường như nó là một cuộc chiến chưa có hồi kết khi số đường lậu bị bắt quả tang vẫn có thể tháng sau nhiều hơn tháng trước.
Tuyến biên giới thuộc khu vực phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, t5ỉnh An Giang, vào ban ngày, trên tuyến kênh nối liền giữa Việt Nam và Campuchia, thỉnh thoảng mới xuất hiện một chiếc vỏ lãi của người dân hai bên biên giới qua lại.
Tại cột mốc phụ 267/3 thuộc địa bàn thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, giáp danh với tỉnh Tà Keo Campuchia, mặc dù chưa phải mùa nước nổi nhưng những cánh đồng này đã sẫm nước. Vì vậy, lực lượng biên phòng chỉ có thể tuần tra được vào ban ngày. Còn ban đêm, khi lực lượng biên phòng rút đi, đây lại là điều kiện thuận lợi cho buôn lậu tuồn hàng vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong tháng 9/2019, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện gần 200 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, giảm 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mặt hàng đường cát và thuốc lá nhập lậu có chiều hướng tăng trở lại. Trong đó, mặt hàng đường cát nhập lậu bị bắt giữ tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước.
Năm nay, vì lũ chưa về nên tình hình buôn lậu qua khu vực biên giới phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, An Giang có giảm đi ít nhiều nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp và tinh vi hơn.
Theo lực lượng chức năng, đường cát nhập lậu ngoài đưa sâu vào nội địa tiêu thụ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cát, đường phèn trong khu vực biên giới cũng là một nơi tiêu thụ mặt hàng này. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng buôn lậu, ngoài việc chặn bắt ngay tuyến biên giới, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động đối với các kho, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh này để tránh sự tiếp tay cho buôn lậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!