Khu vực cảng cá Tắc Cậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang trung bình mỗi ngày có khoảng 200 tàu cá ra khơi. Tuy nhiên, không mấy khi thấy tàu vào bơm nhiên liệu tại các cây xăng, dầu ở khu vực cảng.
"Không rõ vì sao nhưng mà ít khi họ đổ đầy lắm…", ông Phan Văn Chính - nhân viên cây xăng Phi Hải, huyện châu Thành, tỉnh Kiên Giang nói.
Các tàu cá khi ra khơi thì ít khi bơm đầy dầu, còn các tàu hậu cần nghề cá cũng hiếm khi cặp bờ để lấy hàng mang ra biển. Vậy nhưng rất nhiều tàu khi bị kiểm tra đều đang chở hàng chục thậm chí nhiều chục ngàn lít dầu trong khoang vốn chỉ để chứa cá. Chủ những tàu cá này không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số dầu trên.
Thời gian gần đây hoạt động buôn lậu dầu trên vùng biển Kiên Giang diễn ra rất phức tạp. (Ảnh minh họa: VOV)
Theo đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang, với đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh này lên tới trên 4.000 chiếc, lượng nhiên liệu phục vụ cho các tàu là vô cùng lớn. Vì vậy, việc các tàu cá không đổ đầy nhiên liệu trước khi ra khơi chỉ có thể hiểu là họ sẽ đi mua dầu lậu trên biển.
"Bởi vì giá xăng dầu mua trên biển rất rẻ so với giá xăng dầu trong nước bán ra nên các đối tượng chỉ mua đủ lượng chạy từ bờ ra vị trí ấy. Sau đó, ra đến biển đã có người khác cung cấp rồi. Nó gần như hình thành cái chợ nổi ở khu vực giáp danh giữa Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia", Đại tá Nguyễn Thế Anh - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên Phòng tỉnh Kiên Giang cho biết.
Theo Đại Tá Nguyễn Thế Anh, chỉ từ đầu năm tới nay, biên phòng tỉnh này đã bắt giữ hàng trăm ngàn lít dầu lậu, nhiều thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu dầu đã được phát hiện như: Thường xuyên sử dụng như thay đổi tên, số hiệu tàu, sử dụng biển số giả của nước ngoài để hoạt động buôn lậu…
Dù liên tục bắt giữ, liên tục phát hiện các thủ đoạn mới của các đối tượng tuy nhiên do lợi nhuận quá lớn nên buôn lậu xăng dầu trên biển chưa bao giờ hết nóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!