Các doanh nghiệp New York ứng phó với chiến tranh thương mại

Lê Tuyển (PV THVN từ New York)-Thứ sáu, ngày 17/05/2019 14:26 GMT+7

VTV.vn - New York đang đứng thứ 4 trong các cảng nhập hàng hóa nhiều nhất từ Trung Quốc nên khi "cơn bão" tăng thuế ập đến, thành phố này buộc phải chuyển mình.

Một trong những hướng đi trước mắt là kêu gọi doanh nghiệp nhỏ và vừa quay lại đầu tư xưởng sản xuất tại thành phố tăng lượng hàng Made in NYC, phục vụ nhu cầu địa phương.

Theo ông Tom Donohue, Giám đốc Dự án Made in NYC: "Mở nhà máy ở New York là một thử thách lớn. Vì thế chương trình Made in NYC ra đời. Chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp làm marketing, truyền thông và kết nối lại với nhau. Họ sẽ cảm thấy không bị đơn độc. Họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, bạn hàng và thậm chí là mặt bằng".

Các khu công nghiệp mới được dựng lên trên chính những mảnh đất bị bỏ hoang từ thời phong trào di chuyển nhà máy ra ngoài nước Mỹ. Thành phố hỗ trợ giá mặt bằng, giảm thuế. Thế nhưng để trụ lại được ở New York, doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh từ tập trung vào số lượng sang chất lượng.

Ông John Danabashian, Giám đốc Công ty gỗ Bjork Carle cho hay: "Tôi thì rất ủng hộ hàng sản xuất ở Mỹ. Vì ngành sản xuất công nghiệp đang rất yếu, nên không có đủ hàng tiêu chuẩn cao. Thế nhưng sản xuất dây chuyền công nghiệp tại Mỹ là rất khó. Chúng tôi phải đi theo hướng nhỏ lẻ và hàng xa xỉ thì mới tồn tại được".

Tuần lễ Thương mại New York vừa diễn ra nhằm tôn vinh những doanh nghiệp dám đầu tư và đứng vững tại thành phố này. Họ được khuyến khích thậm chí vươn lên xuất khẩu hàng hóa ra ngoài nước Mỹ. Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Thương mại. Và ông cũng không quên nhắc lại khẩu hiệu của Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng Thương mại Mỹ: "Tại Bộ Thương mại, chúng tôi có trọng tâm mới đó là hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư trở lại vào ngành sản xuất Mỹ, tạo việc làm cho người dân Mỹ. Chúng tôi gọi đây là chiến dịch 'Quay lại chọn nước Mỹ'".

Thế nhưng theo các nhà phân tích, quay trở lại sản xuất ở Mỹ là một bước chuyển khó khăn với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Theo ông Charles G. Ludmer, Trưởng Bộ phận Tư vấn Kiểm toán của CohnReznick: "Các công ty muốn chuyển hướng nhưng lại không muốn đưa ra quyết định gấp gáp. Có những ngành kinh doanh không dễ để di chuyển vì cần thời gian đánh giá và xây dựng lại. Tôi tin rằng các tập đoàn lớn, đa quốc gia sẽ quyết định mọi việc theo hướng dài hơi, chứ không chỉ vì những chuyện xảy ra hôm nay".

Khả năng Mỹ áp thuế cao lên toàn bộ số hàng hóa nhập từ Trung Quốc đã được Tổng thống Donald Trump nhắc tới. Thế nhưng với nhiều doanh nghiệp, việc chuyển hẳn nhà máy về Mỹ sản xuất là một quyết định khó khăn. Đó không chỉ là khó khăn về nhân công, mặt bằng đắt đỏ, mà còn là sự thiếu hụt trong nguồn cung ứng nguyên liệu. Trong khi đó, những căng thẳng thương mại giữa hai nước cho tới giờ vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước