Các gói hỗ trợ có như "máy thở" vực dậy nền kinh tế?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 11/04/2020 10:40 GMT+7

VTV.vn - Khi các nước chạy đua sản xuất máy thở để hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 thì các chính phủ cũng chạy đua với thời gian để tung ra các gói hỗ trợ cho cả nền kinh tế.

Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 liên tục tăng, bỏ xa mọi loại virus truyền nhiễm nguy hiểm khác. Mỗi ngày, cả thế giới có đến 100.000 người mắc mới. Dịch bệnh tiếp tục căng thẳng tại châu Âu, leo thang tại Mỹ và nóng lên ở một số nước Đông Nam Á.

Một đất nước cũng giống như một con người, khi không may mắc phải bệnh nan y là lúc gia đình không tiếc tiền chi trả cho những loại thuốc đặc hiệu nhất để cứu người thân. Tuần qua là một tuần cao điểm của các gói cứu trợ khổng lồ, chưa có tiền lệ. Các nước không tiếc tiền của tung ra để cứu nền kinh tế đang bị COVID-19 phá hủy.

Cũng trong tuần qua xuất hiện hàng loạt dự báo xám màu về nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu. WTO cảnh báo thương mại toàn cầu giảm 1/3 trong năm nay. IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm nay suy thoái mạnh hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi hàng loạt tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay.

ADB nhận định Việt Nam tăng trưởng 4,8%, WB dự đoán 4,9%, Fitch Rating dự báo chỉ còn 3,3%. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT đưa ra mức dự báo khoảng 5,5%. Mức điều chỉnh giảm mạnh cho thấy tình hình đã rất cấp bách. Khu vực kinh doanh đang đối mặt với bài toán sống còn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Một kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI được triển khai cuối tháng 3, đầu tháng 4 cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.

Vì vậy, cùng nhịp với thế giới, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động, quyết liệt và kịp thời tung ra các gói hỗ trợ mạnh tay. Ngoài tốc độ rất nhanh, các gói hỗ trợ lần này đều có giá trị khổng lồ đó là gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trị giá 62.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng trị giá 300.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ chính sách tài khóa gồm 200.000 tỷ đồng giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất với 98% số doanh nghiệp và 36.000 tỷ hỗ trợ đối tượng bị tác động bởi COVID-19.

Ngay sau khi ký ban hành Nghị định giãn, hoãn thuế và Nghị quyết về an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương. Một nội dung quan trọng trong đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hồi phục kinh tế sau dịch. Ngay sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ký một Nghị quyết toàn diện để chuyển trạng thái từ phòng chống dịch bệnh sang ứng phó với các thách thức mới để chuẩn bị cho một sự bật tăng lò xo của kinh tế sau khủng hoảng.

Các chính phủ, trong đó có Việt Nam, đã tung ra những gói cứu trợ khổng lồ nhưng bao giờ và làm thế nào để đến được tay các doanh nghiệp nhỏ cũng là bài toán hóc búa cho không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới khi dịch bệnh ập đến quá nhanh, mỗi ngày lại có thêm những diễn biến khó lường.

Tuần qua, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu khi nối dài chuỗi ngày các doanh nghiệp phải đóng cửa. Thiệt hại nặng nề nhất chính là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.

Tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, theo khảo sát của Phòng thương mại nước này, cứ 4 doanh nghiệp nhỏ thì có 1 doanh nghiệp không thể trụ được quá 2 tháng nữa. Để đối phó với nguy cơ này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất gói cho vay bổ sung trị giá 250 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nâng khoản vay cho nhóm doanh nghiệp này lên tới 600 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện giờ không phải là bao nhiêu mà là khi nào và như thế nào?

Còn tại châu Âu, tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước châu Âu đã có một cuộc họp căng thẳng dài hơn dự kiến để đưa ra giải pháp cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực EU. Mặc dù cuối cùng các bên đã đi tới thống nhất thế nhưng các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, sẽ vẫn phải chờ cho tới khi thực sự nhận được vốn vay hỗ trợ.

Tại Nhật Bản, chính sách kinh tế khẩn cấp vừa được chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo công bố trong đó cung cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 lến đến 6.000 tỷ Yen. Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản ngay lập tức đã chỉ ra những điểm khó khăn và phức tạp trong thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo phản ảnh của báo Nikkei, để được hỗ trợ khoản tiền mặt tối đa lên đến 2 triệu Yen, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chứng minh được doanh thu giảm trên 50%. Nếu việc chứng minh doanh thu bị phức tạp, có thể dẫn đến cảnh hỗn loạn tại các khu vực làm thủ tục. Phản hồi của cơ quan chức năng bị chậm trễ và việc chi trả các khoản hỗ trợ doanh nghiệp có thể bị kéo dài đến mùa Hè thì hiệu quả về thời gian tính của chính sách kinh tế khẩn cấp nhằm chấn an đối với doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể. Tương tự, các gia đình cũng phải chứng minh được thu nhập giảm với chính quyền địa phương để nhận khoản trợ cấp 2.800 USD cho mỗi hộ.

Tuy nhiên, không phải không có những câu chuyện thành công. Tờ Financial Times mới đây đã dẫn ra những kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ từ một quốc gia châu Âu là Thụy Sỹ. Theo đó, ngày 25/3, Thụy Sĩ đã công bố gói vay khẩn cấp trị giá 20 tỷ Franc Thụy Sĩ (tương đương 20 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Ngay trong tuần đầu tiên hoạt động, 15 tỷ đã được chuyển cho 76.034 công ty. Chính phủ Thụy Sĩ ngay lập tức cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình hỗ trợ.

Theo Financial Times, mấu chốt nằm ở sự hợp tác rất hiệu quả giữa hệ thống ngân hàng và Chính phủ Thụy Sĩ. Các ngân hàng đã có sẵn lịch sử tín dụng và dữ liệu khách hàng cần thiết. Điều này cho phép chính phủ có thể triển khai chương trình ngay lập tức.

Bên cạnh đó, các ngân hàng như UBS cũng đặc biệt chú trọng tới chương trình này khi huy động 300 nhân viên để quản lý và 100 robot thuật toán tự động để xử lý nhanh các yêu cầu. Nhờ đó, chỉ trong 2 ngày đầu tiên, riêng UBS đã xử lý hơn 10.000 đơn yêu cầu vay vốn.

Có thể thấy, để những gói cứu trợ cần thiết đến được tay những doanh nghiệp đang thoi thóp trong dịch bệnh thì một yếu tố quan trọng là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt là sự tận dụng hiệu quả công nghệ. Điều này sẽ giúp xử lý nhanh gọn và hiệu quả những yêu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi dịch bệnh còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới thực sự kết thúc.

Chính phủ Mỹ đề xuất bổ sung gói vay 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ Chính phủ Mỹ đề xuất bổ sung gói vay 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ Miễn, giảm ngay tiền thuê nhà, đất với doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do COVID-19 Miễn, giảm ngay tiền thuê nhà, đất với doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do COVID-19 EU tiến gần thỏa thuận hỗ trợ tài chính ứng phó dịch COVID-19 EU tiến gần thỏa thuận hỗ trợ tài chính ứng phó dịch COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước