Xu hướng này đã có từ trước khi dịch bệnh xuất hiện và tăng tốc trong năm vừa qua, khi các ngân hàng chuyển sang làm việc từ nhà, hạn chế giao dịch và khách hàng sử dụng các giao dịch qua mạng nhiều hơn.
Nhật báo Le Figaro ra tại Pháp vào tuần trước có bài: "Các ngân hàng đối phó với một năm đen tối trên mặt trận việc làm".
Bài báo nhấn mạnh, hơn 80.000 nhân viên ngân hàng trên toàn thế thế giới đã mất việc trong năm 2020 và năm 2021 này cũng sẽ là một năm rất khó khăn. Đa số các vụ sa thải nhân viên ngân hàng diễn ra tại châu Âu, chiếm tới 80% con số 80.000.
Hơn 80.000 nhân viên ngân hàng trên toàn thế thế giới đã mất việc trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Deutsche Welle)
Theo bài báo, các ngân hàng châu Âu buộc phải thu hẹp hoạt động vì phải đối phó với tình trạng lãi suất thấp kéo dài quá lâu, do tác động của đại dịch, cũng như do phải cạnh tranh với những mô hình ngân hàng mới.
Tính từ năm 2008 đến nay, ngoại trừ Cộng hòa Czech, còn lại nơi nào ở châu Âu cũng sa thải. Số lượng nhân viên ngân hàng tại Tây Ban Nha, Anh, Ireland giảm 1/3; tại Hà Lan giảm 40%; đặc biệt là tại Latvia và Hy Lạp giảm tới một nửa.
Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng từ cả chục năm nay trong ngành ngân hàng. Tờ Western Daily Press ra tại Anh có bài: "Ngân hàng HSBC đóng cửa 82 chi nhánh trên khắp nước Anh", viết rằng cứ 10 khách hàng thì có đến 9 thực hiện các giao dịch thông qua Internet hoặc ứng dụng điện thoại.
Từ khi có COVID-19, người dân lại càng ngại dùng tiền mặt, không muốn tới ngân hàng, nhiều chi nhánh đóng cửa tạm, sau đó đóng cửa hẳn.
Ngân hàng HSBC đóng cửa 82 chi nhánh trên khắp nước Anh. (Ảnh minh họa: Bonds and Loans)
Ngân hàng HSBC cho biết đại dịch càng thúc đẩy khách hàng sử dụng các dịch vụ qua mạng và khẳng định đóng cửa các chi nhánh không liên quan đến phong tỏa chống dịch. Phía sau lời giải thích sơ sài ấy là hàng trăm nhân viên ngân hàng mất việc.
Theo tờ El Economista của Tây Ban Nha, các ngân hàng tại nước này đã đóng cửa chi nhánh và sa thải nhân viên nhiều tới mức số lượng chi nhánh ngân hàng sau cắt giảm đã về với con số của những năm 80 ở thế kỷ trước.
Không những thế, các ngân hàng Tây Ban Nha còn dự kiến sẽ tiếp tục đóng cửa tiếp 3.500 - 4.000 chi nhánh. Thực tế hiện nay, 80% các thị trấn ở 6 tỉnh của Tây Ban Nha không còn một điểm giao dịch ngân hàng nào.
Bài báo giải thích để phục vụ các khách hàng không biết hay không thích giao dịch tiền bạc qua Internet hoặc ứng dụng điện thoại, các ngân hàng đưa văn phòng di động, mỗi tuần một lần, tới những địa phương không có điểm giao dịch. Chỉ cần một xe bus với 2 nhân viên là đủ phục vụ một địa bàn rộng vài trăm km, trước đây phải có hàng chục văn phòng với cả trăm nhân viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!