Các ngân hàng trên thế giới “hồi sức" cho doanh nghiệp trong "cơn bão" COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 21/03/2020 16:20 GMT+7

VTV.vn - Các ngân hàng TƯ trên thế giới quay cuồng dùng hết các chiêu mạnh tay nhất từ hạ lãi suất đến bơm tiền để "hồi sức cấp cứu" cho doanh nghiệp.

Tuần qua, một loạt các quốc gia Âu Mỹ phải nâng cấp độ cảnh báo, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. Khi người dân không ra ngoài thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành dịch vụ, du lịch, ăn uống thất thu nặng nề. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là khoảng thời gian để nhiều doanh nghiệp không phải là sống tốt, mà đơn giản là cố gắng sống sót.

Theo số liệu của JPMorgan Chase đưa ra vài năm trước, trong nước Mỹ, có hơn 28 triệu doanh nghiệp thì 99% số đó là doanh nghiệp nhỏ. 88% số doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 20 nhân viên. Gần 40% doanh nghiệp có doanh thu ít hơn 100.000 USD. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ này lại đóng góp tới một nửa GDP của Mỹ.

Đây vừa là những doanh nghiệp quan trọng, đóng góp nhiều cho nền kinh tế nhưng mỏng vốn, quy mô nhỏ. Họ cũng chính là những cái cây dễ bị "bật gốc" nhất trong "cơn bão" COVID-19. Nhưng các tập đoàn lớn cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng, nhiều công ty, doanh nghiệp tầm cỡ cũng đang trong cảnh hấp hối.

Chính phủ Mỹ tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch COVID-19

Tuần qua, Chính phủ Mỹ đã cân nhắc tung ra gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do COVID-19. 50 tỷ USD trong đó dự kiến dành cho việc cứu trợ riêng ngành hàng không. Đối với doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ tung ra gói cứu trợ trị giá gần 300 tỷ USD.

Ngày 18/3, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm.

Gói cứu trợ lên tới 1.000 tỷ là điều sẽ khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Nhưng còn người lao động Mỹ, họ cảm thấy thế nào? Thực ra, ở mức độ vi mô nhất, nhiều người lao động Mỹ vẫn đang hết sức lo lắng rằng họ không đủ khả năng tài chính để vượt qua mùa dịch này.

Các ngân hàng trên thế giới “hồi sức cho doanh nghiệp trong cơn bão COVID-19 - Ảnh 1.

Hơn 80 triệu người Mỹ là lao động kiếm tiền theo giờ chứ không có lương cố định. Việc hàng quán đóng cửa, không được đi làm khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Họ cũng không thể làm việc từ xa. 44 triệu lao động không có bảo hiểm. Các chuyên gia cho rằng, từ giờ tới cuối tháng 3, sẽ có khoảng 1 triệu người lao động Mỹ bị thất nghiệp.

Bà Martha gimbel, chuyên gia kinh tế lao động tại Schmidt Futures cho rằng: "Rất nhiều người lao động kỳ vọngsẽ tiếp cận được các khoản bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng sự thật là điều đó không hề dễ dàng".

"Người lao động cần được hỗ trợ ngay và luôn. Chính phủ cần gỡ bỏ càng nhiều càng tốt những rào cản về giấy tờ và thủ tục hành chính trong lúc này" - ông Rick Camac, Viện Giáo dục ẩm thực Mỹ cho biết.

EU liên tiếp cam kết cứu trợ doanh nghiệp

Còn tại châu Âu, nhiều quốc gia đang chật vật tìm cách ngăn dịch COVID-19 lây lan và đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế. Chính phủ của nhiều nước châu Âu đang có những bước đi mạnh mẽ, chuẩn bị "bơm" tổng cộng 1500 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp khi đây đang là khu vực mà dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng nhất hiện nay.

Tại Đức, Chính phủ của Thủ tướng Merkel đã tuyên bố khoản dự chi khoảng 550 tỷ USD cho trợ cấp và bảo lãnh cho vay. Nước này cũng cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch được vay "không giới hạn" từ các đơn vị tín dụng của chính phủ. Tây Ban Nha cũng đưa ra cam kết tương tự trị giá 220 tỷ USD. Trong tuần này, Bộ Tài chính Anh cũng đã nhập cuộc với gói hỗ trợ trị giá gần 400 tỷ USD, chủ yếu hướng tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các ngân hàng trên thế giới “hồi sức cho doanh nghiệp trong cơn bão COVID-19 - Ảnh 2.

Cũng giống như một bệnh nhân, mỗi nền kinh tế lại có tình trạng "sức khỏe" khác nhau. Vì vậy, để "hồi sức cấp cứu" cho doanh nghiệp hay người lao động cần những gói cứu trợ kịp thời và trúng đích, khoanh vùng dịch bệnh, xác định đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

Mỹ và EU đều đang ráo riết kiềm tỏa dịch bệnh, đồng thời cố gắng giữ cho nền kinh tế vận hành. Nhưng điều này không hề dễ dàng, nhà đầu tư vẫn chưa cảm thấy an tâm. Điều này thể hiện rất rõ trong diễn biến thị trường tuần qua và chúng ta rất có thể sẽ phải chứng kiến tình trạng này trong một thời gian dài sắp tới.

TTK LHQ cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 TTK LHQ cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19

VTV.vn - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cảnh báo một cuộc suy thoái toàn cầu "là điều gần như chắc chắn" do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước