Thời gian qua, nhiều nước vùng Vịnh đã áp dụng một loạt các chính sách nhằm cắt giảm người nhập cư, đi đầu phải kể đến Saudi Arabia. Nước này đã tiến hành các biện pháp khá cứng rắn như cấm hoàn toàn lao động nhập cư trong một số ngành nghề, thu lệ phí khá cao nếu lao động nhập cư muốn mang gia đình qua chung sống. Song các số liệu gần đây đã khiến nhiều người phải đặt ra những dấu hỏi về tính hiệu quả của những bước đi này.
Theo Nhật báo Ngôi sao, những gì Saudi Arabia thu về sau một thời gian triển khai các biện pháp trên chỉ là sự đi xuống của nền kinh tế. Một loạt công ty, nhà hàng phải đóng cửa vì thiếu lao động. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp của Saudi Arabia vẫn tăng lên đến gần 13%, mức kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua.
Saudi Arabia có tới một 1/2 dân số là người trẻ dưới 25 tuổi. Khi lao động nhập cư rời đi, doanh nghiệp thiếu người làm, trong khi lao động của Saudi Arabia vẫn thất nghiệp là những vấn đề nan giải đối với nền kinh tế của các nước vùng Vịnh.
Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế cho thấy người Saudi Arabia thiếu việc làm nhưng lại cùng lúc không thể làm được nhiều việc. Chẳng hạn trong ngành xây dựng, các số liệu cho thấy có tới 90.000 hợp đồng xây dựng tại Saudi Arabia đã phải bị hủy bỏ sau khi người lao động nhập cư bỏ đi.
Phong trào Mùa xuân Arab vẫn giống như một nỗi ám ảnh đối với nhiều xã hội tại Trung Đông, trong đó các nước vùng Vịnh không phải ngoại lệ, đặc biệt khi ngân sách đã ngày càng eo hẹp bởi giá dầu hạ.
Nhưng một thực tế được Arabia Business chỉ ra, người dân nơi đây đã quá quen với sự nhàn nhã mà vẫn sung túc của thời kỳ thịnh vượng nhờ dầu giá cao. Chẳng hạn người Qatar chỉ làm việc trung bình có 2h52 mỗi ngày, còn lại các công việc chủ yếu vận hành nhờ các lao động nhập cư thuê về.
Trong thời gian tới, dự kiến các chính sách thắt chặt đối với lao động nhập cư tại vùng Vịnh sẽ được nới lỏng. Thậm chí, đã có nhiều tiếng nói trong dư luận kêu gọi một sự nhìn nhận công tâm hơn đối với vai trò của lao động nhập cư.
Báo Gulf News cho rằng đã đến lúc cần phải có các chính sách cấp quyền công dân hay cư trú dài hạn cho một số đối tượng lao động nhập cư. Đây là điều các nước vùng Vịnh đã từ chối quá lâu, nhưng sẽ không thể bác bỏ một thực tế là các nền kinh tế tại đây đã được xây dựng trên cái nền của lao động nhập cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!