Đây là thị trường vốn đã khá chật chội và đã định hình những cái tên dẫn dắt thị trường, vậy lý do vì sao các ông lớn vẫn quyết định nhảy vào cuộc chơi trong thời điểm này?
Mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 2 năm nay, chỉ sau 4 tháng, chuỗi bán lẻ cà phê của 3 "ông lớn" là Nutifood, Đồng Tâm và Hoàng Anh Gia Lai. đã cán mốc 100 cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành. Thương hiệu gây chú ý bởi là kết quả "bắt tay" giữa 3 doanh nghiệp lớn, thuộc 3 ngành nghề tưởng không liên quan, nhưng thực tế lại bổ trợ được cho nhau từ vùng trồng nguyên liệu, cho đến marketing, bán hàng.
Giá ly cà phê dưới 20.000 đồng, mặt bằng nhỏ gọn, thậm chí đẩy cả ra vỉa hè để bán, chuỗi cà phê của 3 "ông lớn" chọn phân khúc bình dân làm mục tiêu.
Thị trường bán lẻ cà phê liên tục được "khuấy động" bởi sự nhập cuộc của các DN lớn.
Một ông lớn đầu ngành sản xuất thực phẩm khác là Vinamilk, cũng chọn phân khúc giá mềm, khi công bố đầu tư mở chuỗi bán lẻ cà phê tại Đại hội cổ đông mới đây. Tuy nhiên lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sẽ không đi theo hướng "đốt tiền" thuê các mặt bằng chục ngàn USD để mở cửa hàng, mà sẽ tận dụng mạng lưới cửa hàng bán lẻ sữa sẵn có để đặt chân vào thị trường cà phê.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, các chuỗi bán lẻ cà phê có độ phủ lớn nhất hiện nay trên thị trường hầu hết đều thuộc phân khúc trung - cao cấp. Trong khi đó phân khúc bình dân chỉ mới có một vài chuỗi đạt quy mô trên 50 cửa hàng. Điều này cho thấy phân khúc này dư địa thị trường còn nhiều, đủ chỗ để các ông lớn khai thác dù thương hiệu sinh sau đẻ muộn. Vì vậy, các doanh nghiệp không đặt nặng chi phí cho mặt bằng tốt, không gian đẹp, thay vào đó chú trọng yếu tố tiện lợi và sử dụng chiến lược nhượng quyền thương hiệu để dễ dàng mở rộng độ phủ.
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết, hiện mức độ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người mỗi năm ở Việt Nam chỉ là 2kg, thấp hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới. Do đó dù nói thị trường bán lẻ cà phê đã có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng không phải là không có cơ hội cho những cái tên mới. Đặc biệt là những doanh nghiệp lớn đã thành công với một ngành nghề khác, với tiềm lực sẵn có, đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho mình.
Dịch COVID-19 gây xáo trộn thị trường cà phê VTV.vn - Dịch COVID-19 đang gây ra những xáo trộn chưa từng thấy tại các trang trại trồng cà phê, các nhà máy chế biến cà phê và cũng làm thay đổi cơ bản nhu cầu tiêu thụ cà phê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!