Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, do thực tế sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên giá cả, đầu ra sản phẩm liên tục gặp khó. Trong những giải pháp đối với ngành hàng cà phê, đáng chú ý là việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, ưu tiên liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị cho cây cà phê.
Với 175.000ha, Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai về diện tích trồng cà phê của nước ta. Trước tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu, thị trường liên tục biến động, địa phương đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng này theo hướng đi mới. Đi đôi với việc giữ nguyên diện tích, tập trung cải tạo nguồn giống, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích phát triển các mô hình liên kết để tư vấn về kỹ thuật sản xuất, đặc biệt giúp người trồng cà phê được sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào tiết kiệm và hiệu quả nhất. Hiệu quả từ cách làm trên đã và đang được chứng minh ở nhiều vùng chuyên canh trồng cà phê của tỉnh Lâm Đồng.
Nếu như năm 2013 năng suất cà phê của tỉnh Lâm Đồng chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha, nay con số này đã tăng hơn 3,2 tấn. Đây là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng cà phê với hơn 530.000 tấn/năm. Hiện chất lượng cà phê nguyên liệu tại đây được các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh đánh giá rất cao.
Việc địa phương nỗ lực tái cơ cấu sản xuất, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cùng với sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy thúc đẩy ngành hàng này phát triển bền vững hơn. Sản xuất theo chuỗi, ưu tiên chế biến sâu cũng là giải pháp căn cơ để nâng tầm giá trị cũng như thương hiệu sản phẩm cà phê Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đưa công nghệ vào vườn cà phê VTV.vn - Tại Tây Nguyên đã có 230.000 nông dân được tập huấn đổi mới quy trình trồng cà phê, liên kết với doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!