"Enjoy work as you enjoy life" (tận hưởng công việc như tận hưởng cuộc sống) là khẩu hiệu của Ant Group nhưng giờ đây, chính "chú kiến khổng lồ" lại khó có thể tận hưởng cuộc sống khi đứng trước nguy cơ bị chia tách.
Theo Financial Times, Alipay, siêu ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng của Ant Group, sẽ bị Chính phủ Trung Quốc chia nhỏ, tách riêng hoạt động cho vay và các dịch vụ tài chính khác.
Phần kinh doanh cho vay chiếm gần 40% doanh thu giờ đây sẽ do công ty nhà nước Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang kiểm soát 35% cổ phần, 35% tiếp theo cho Ant và còn lại chia nhỏ cho các công ty nhà nước khác.
Kế hoạch chia nhỏ "chú kiến" Ant Group
Doanh nghiệp mới sẽ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cấp giấy phép tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ dành cho bên nhà nước, bởi vậy Ant cũng không có cửa kiếm tiền tự do từ nguồn dữ liệu khổng lồ thu thập được.
Cổ đông lớn của Ant là Alibaba trước đó cũng chịu án phạt kỷ lục gần 3 tỷ USD vì lạm dụng độc quyền. Mức phạt khổng lồ này tương đương 4% doanh thu nội địa của Alibaba năm 2019. Ngoài nộp phạt, Alibaba cũng bị yêu cầu thực hiện những biện pháp khắc phục toàn diện và và phải nộp báo cáo cho chính quyền về khả năng tự điều chỉnh trong 3 năm liên tiếp.
Không chỉ Alibaba mới đây nhất, ông lớn công nghệ Tencent cũng bị yêu cầu không được tìm cách kiếm tiền bằng mọi giá từ mảng game online và cần áp dụng các biện pháp hạn chế giờ chơi của trẻ em. Nhiều quy định mới được ban hành nhằm hạn chế hoạt động hái ra tiền này của Tencent.
Theo phóng viên Thái Bình, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc, hàng loạt động thái nhanh và mạnh nhắm vào hàng loạt các công nghệ, chính quyền Trung Quốc muốn gửi đến thông điệp về một chiến lược mới của chính quyền - đó là hạn chế sức mạnh độc quyền của các ông lớn công nghệ để tạo điều kiện các ứng dụng công nghệ nhỏ hơn phát triển mạnh. Qua đó, chính quyền cũng gửi thông điệp hãy phân phối lại lợi nhuận quá lớn cho xã hội và người lao động.
Nhưng nhiều chuyên gia phương Tây thì cho rằng, cái mà chính quyền nhắm đến đó là cơ sở dữ liệu công dân quá lớn mà những ông lớn như Alibaba, Tencent nắm giữ phải được chia sẻ với chính quyền và các doanh nghiệp khác cùng khai thác dưới sự quản lý của nhà nước.
Bởi thực tế thì cơ sở dữ liệu công dân mà mỗi nền tảng như Wechat, Alipay của 2 đại gia công nghệ này nắm giữ lên đến cả tỷ người có vai trò quan trọng trọng hoạch định những chính sách phát triển kinh tế và an ninh xã hội.
Trung Quốc muốn hạn chế sức mạnh độc quyền của các ông lớn công nghệ?
Cũng có ý kiến cho rằng, các tập đoàn công nghệ tài chính này hiện nay quá mạnh đã lấn lướt cả các lĩnh vực truyền thống như ngân hàng - vốn do nhà nước nắm giữ.
"Tôi nghĩ những động thái này nó cũng nằm trong một mục tiêu lớn nhất là thịnh vượng chung mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến - đó là khuyến khích các doanh nghiệp, nhóm thu nhập cao đóng góp lại cho xã hội nhiều hơn", phóng viên Thái Bình cho biết.
Hiện đang có một nỗi lo ngại rằng việc chia tách, siết chặt các đại gia công nghệ sẽ làm suy yếu những công ty này và khiến ngành công nghệ Trung Quốc không phát triển mạnh mẽ được như trước.
Thống kê cho thấy, cổ phiếu gã khổng lồ Alibaba đã lao dốc tới 46% kể từ cuối năm ngoái. Giá trị thị trường theo đó bốc hơi khoảng 380 tỷ USD. Trước đó vào tháng 7, giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc được xác định đã giảm tới 823 tỷ đô la so với mức đỉnh trong tháng 2.
Theo phóng viên Thái Bình, trước mắt các doanh nghiệp công nghệ trong nước có những lo lắng, nhà đầu tư nước ngoài thì quan sát chặt chẽ các động thái của chính phủ. Chắc chắn nền kinh tế sẽ gánh chịu những tổn thất nhất định vì những quyết sách này.
"Thế nhưng tôi thấy rằng, chính quyền Trung Quốc không hề nao núng bởi đây là những đường hướng cho sự phát triển tiếp theo. Trên các phương tiện thông tin chính thống của nước này ngành chức năng trấn an khu vực kinh tế tư nhân rằng, các hành động này nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường, thúc đẩy sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa", phóng viên Thái Bình nhận định.
Trung Quốc muốn chấn chỉnh trật tự thị trường, thúc đẩy sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh: AP)
Trước mắt, hàng loạt công ty công nghệ đã dành một khoản tiền lớn để đóng góp cho các mục tiêu phát triển xã hội, hàng trăm ngàn nhân viên giao hàng shipper của các công ty công nghệ đã được tăng lương, tạo điều kiện học hành.
Thực tế thì các công ty tư nhân đóng góp đến 44% tổng vốn đầu tư và giải quyết đến 80% lao động. Về lâu dài theo các chuyên gia thì Nhà nước nên có chính sách thuế lũy tiến minh bạch để đảm bảo công bằng, hơn là những kiểu kêu gọi từ thiện, phân phối lại của cải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!