Cải thiện chất lượng số liệu khi đánh giá lại quy mô GDP

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 21/08/2019 19:48 GMT+7

VTV.vn - Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết để nhìn nhận toàn diện về nền kinh tế Việt Nam, giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước.

Mới đây, Tổng cục Thống kế đã có buổi làm việc với báo chí liên quan đến việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước GDP. Tổng cục Trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định, việc đánh giá lại hoàn toàn không phải là cách tính mới. Đây chỉ là quá trình tính toán lại mà ở đó, người làm thống kê rà soát, bổ sung các dữ liệu mới, đảm bảo nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" và đúng thông lệ quốc tế mới.

GDP là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng ở nhiều quốc gia trong việc đánh giá hiệu quả của nền kinh tế. GDP được sử dụng để so sánh quốc tế, đồng thời là mẫu số trong tính toán các tỷ lệ đòn bẩy cũng như tài chính quan trọng như chỉ số nợ công so với GDP.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực vì vậy, việc cập nhật dữ liệu đầu vào đầy đủ, kịp thời sẽ giúp việc đánh giá lại quy mô GDP toàn diện hơn.

Quá trình thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam đã cho thấy có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng và một nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP. Đáng chú ý, dữ liệu của trên 70.000 doanh nghiệp bị bỏ sót trước đây thì nay đã được cập nhật.

Việc đánh giá lại quy mô GDP ở Việt Nam không phải cá biệt bởi trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt nền kinh tế lớn đã đồng loạt tiến hành công tác này. Quy mô GDP năm 2012 của Mỹ sau khi đánh giá lại đã tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã 4 lần đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2004 đến nay. Phạm vi đánh giá lại quy mô GDP lần này của Việt Nam sẽ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế theo quy định, không đề cập tới kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP

Đối với việc đánh giá lại quy mô GDP, thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để có được nguồn dữ liệu đầu vào một cách kịp thời trong khi quy mô doanh nghiệp đang tăng nhanh. Ví dụ, khi rà soát đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê phát hiện ra đã bỏ sót tới 70.000 doanh nghiệp. Điều tra theo mẫu hàng năm chỉ phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng lại không toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của toàn bộ nền kinh tế.

Hiện tại, thông tin thống kê quy mô GDP dựa vào: điều tra thống kê, hồ sơ hành chính, báo cáo thống kê và nguồn khác nhưng chưa phản ánh đầy đủ toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế. Thông tin từ hồ sơ hành chính thường được tổng hợp và công bố chậm so với yêu cầu vào thời điểm biên soạn GDP. Báo cáo của các bộ, sở, ngành cung cấp cho cơ quan thống kê thường không đầy đủ, chưa kịp thời và không đảm bảo chi tiết theo yêu cầu.

Nền kinh tế Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước với nhiều loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh. Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp với ngành thống kê dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình kinh tế - xã hội hàng năm.

Vì vậy, việc đánh giá lại quy mô GDP trên cơ sở phù hợp với lý luận, các khuyến nghị của hệ thống tài khoản quốc gia nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình biên soạn trước đây là hết sức cần thiết.

Một trong những tác động từ việc đánh giá lại này đó là thay đổi cơ cấu GDP. Tăng tỷ trọng khi vực công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, một số chỉ tiêu như tỷ lệ thu - chi ngân sách Nhà nước, tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ thấp hơn khi đánh giá lại quy mô GDP. Dư địa thu ngân sách, thu thuế hay chi tiêu và vay của Chính phủ có khả năng mở rộng hơn.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khẳng định, những khả năng tác động này khá thấp. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ dùng để đánh giá sát thực bức tranh của nền kinh tế giúp chính phủ, bộ ngành, địa phương xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển tiếp theo.

6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,76#phantram 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,76#phantram

VTV.vn - GDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước