Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất

VTV Digital-Thứ năm, ngày 28/01/2021 06:09 GMT+7

Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí

VTV.vn - Nhiều khu vực giá đất đã tăng tới 50%, căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất, tại sao các doanh nghiệp không mặn mà với nhà giá rẻ?

Tăng giá bất chấp COVID-19

Đầu năm 2020, khi mà dịch COVID-19 bắt đầu lây lan, bùng phát, nhiều người có tâm lý chờ đợi nhà đất sẽ giảm. Thực tế, trong một thời gian ngắn, vào khoảng tháng 4, tháng 5, một số nhà đầu tư cá nhân không chịu được sức ép dòng vốn, đã lác đác rao bán nhà đất với giá cắt lỗ. 

Thế nhưng, đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Bởi ngay sau đó, hàng loạt các dự án chào bán mới gần như đều có mức giá cao hơn các dự án cùng vị trí trước đó. Đặc biệt, các chủ đầu tư hầu hết đều lựa chọn đầu tư phân khúc cao cấp, vắng bóng nhà giá rẻ. 

Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất - Ảnh 1.

Bất chấp COVID-19, giá bất động sản trong năm 2020 có xu hướng tăng cao (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội, nhà chung cư chào bán mới, nhà phố tăng 5-10%. Riêng đất đai tại các khu vực đang đô thị hoá nhanh như Sơn Tây, Hoà Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, còn bị đẩy giá tăng tới 50%. Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng, giao dịch thực diễn ra ko nhiều, chủ yếu là các nhà đầu cơ với nhau.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, giá bán căn hộ bình dân đã được đẩy lên thành phân khúc trung cấp. Giá bán căn hộ trung cấp tăng mạnh 26,5% so với năm 2019, tăng 50,7% và so với năm 2018.

Nguy cơ bong bóng bất động sản?

Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong năm 2021, sẽ có khoảng 25.000 căn hộ được tung ra thị trường Hà Nội. Nguồn cung dồi dào tương đối dồi dào, cùng với điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện nên giá sẽ khó tăng cao, chỉ dao động trong khoảng 3-4%.

Còn với phân khúc nhà ở thấp tầng, giá tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

"Với phân khúc nhà ở gắn liền với đất sẽ tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên, sẽ không phải ở trung tâm do quỹ đất không còn nữa, kể cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do vậy sẽ mở rộng ra các huyện vùng ven, các tỉnh lân cận. Tốc độ tăng trưởng về giá có thể lên đến 10%", bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn phát triển và Thẩm định giá CBRE Hà Nội dự báo.

Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất - Ảnh 2.

Theo dự báo, thị trường bất động sản 2021 tiếp tục có xu hướng tăng (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Nhìn lại thị trường trong năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 khiến các ngành nghề kinh doanh khác bị ảnh hưởng, dòng vốn dịch chuyển đầu tư vào bất động sản, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn. Điều này làm thị trường bất động sản nóng lên tại một số khu vực vùng ven. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tượng này chỉ diễn ra cục bộ, không phản ánh toàn bộ thị trường.

"Những dự án tung ra với mặt bằng chung cao hơn thị trường khu vực đó, hoặc mặt bằng chung của cả phân khúc định hướng tới, thì chủ đầu tư cũng chịu áp lực cạnh tranh rất nhiều. Nếu cùng mức giá đó, người sử dụng có nhiều lựa chọn hơn, giá hợp lý hơn. Chủ đầu tư cũng gặp áp lực cạnh tranh, khiến chủ đầu tư gặp áp lực, bán hàng rất chậm, sẽ dẫn đến câu chuyện phải tính lại tổng thể", bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội

Thị trường bất động sản Việt Nam đã từng hình thành bong bóng trong thời kỳ 2007 - 2011, khi giá nhà, đất tăng quá cao so với giá trị thực. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại bong bóng bất động sản có thể xảy ra trong năm nay khi giá nhà, đất vẫn tăng giữa mùa dịch và thị trường có sự lệch pha cung cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguy cơ này khó có thể xảy, vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh, giá có thể kiểm soát được.

Vì sao doanh nghiệp kém mặn mà với căn hộ nhà giá bình dân?

Các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, chưa có dấu hiệu có thấy sẽ có nhiều dự án nhà giá bình dân được triển khai trong năm 2021. Tức là nguồn cung phân khúc này sẽ tiếp tục khan hiếm. Thực tế cho thấy. hầu hết các căn hộ nhà giá bình dân làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí phải xếp hàng, bốc thăm để mua. Không có cảnh hàng tồn dai dẳng không bán được như nhiều dự án cao cấp gặp phải. Thế nhưng, tại sao các doanh nghiệp lại kém mặn mà với dòng sản phẩm này?

Tại Hà Nội, cách đây 3 năm, người mua nhà không khó tìm được những căn hộ 2 phòng ngủ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Nhưng hện nay, kể cả các khu vực cách xa trung tâm, thì giá bán ở mức thấp nhất đều trên 20 triệu đồng/m2. Nhà giá rẻ gần như biến mất khỏi thị trường.

Các doanh nghiệp bất động sản thừa nhận, nhà ở giá rẻ luôn có giao dịch tốt, đảm bảo thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là họ không có quỹ đất để xây. Ngoài ra, chi phí xây dựng dự án như: giá đất, vật liệu xây dựng, chi phí nhân công đều tăng, đã gây khó cho doanh nghiệp.

Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất - Ảnh 3.

Cần có thêm những ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nhà giá rẻ? (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, không thể "ép" doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ, mà có thể "nắn dòng" bằng cách đẩy mạnh bằng các chính sách ưu đãi. Nhưng các chính sách cần được triển khai nhanh, và mạnh. Thực tế, giữa năm 2020, Bộ Xây dựng đã từng gây xôn xao thị trường khi công bố Dự thảo Nghị quyết xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, với các ưu đãi giảm lãi vay, hỗ trợ tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp triển khai.

Diễn biến thị trường cho thấy, nhà giá bình dân đang bị "áp đảo" bởi nhà giá trung cao cấp, thậm chí là siêu cao cấp. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự "lệch pha" sản phẩm trên thị trường bất động sản. Lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, có thể khiến thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước