Để phát huy và nâng cao hiệu quả của công cụ thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, vừa qua Bộ Tài chính đã có đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Chính phủ, nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự đánh giá cao và đồng tình với quan điểm, nội dung sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính đề xuất, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất, việc bổ sung một số mặt hàng vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại hội thảo khoa học "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được tổ chức vào sáng 4/7, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp đều đồng tình với Dự thảo Luật thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính về việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối với mặt hàng đồ uống có cồn như hiện nay. Bởi nếu thay đổi cách tích thuế lúc này sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này và làm mất khả năng cạnh tranh của các sản phẩm phổ thông thương hiệu Việt vốn hiện chiếm tới 80% thị phần, qua đó gây ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước.
Còn về đề xuất theo hướng tăng thuế đối với mặt hàng này, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo cho rằng là phù hợp nhưng cần tính đến lộ trình. Thời điểm tăng thuế suất được các chuyên gia đưa ra là ít nhất đến hết năm 2025, để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi hậu đại dịch, góp phần duy trì sức cạnh tranh của các sản phẩm thương hiệu Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!