Tại hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này, bao gồm cả người thu nhập trung bình thấp.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia, đề án còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, có vấn đề chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận… khiến mỗi địa phương tiến hành một kiểu.
Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Quy trình, thủ tục cũng phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại (việc hoàn thành cấp phép dự án nhà ở xã hội phải mất đến 3 - 5 năm)… Các chuyên gia cho rằng, cần quán triệt, thống nhất quan điểm, coi đây là "chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội".
Bên cạnh đó, đối tượng được mua nhà ở xã hội nên mở rộng hơn. Nhà ở xã hội dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê; bố trí nhà ở xã hội riêng khu hay đan xen với nhà ở thương mại nên linh hoạt theo từng địa phương.
Về nguồn vốn, chính quyền địa phương cần lập danh sách công khai dự án vay vốn; tăng giới hạn mức lợi nhuận hơn 10% như hiện nay và lãi suất vay dưới 6,5% /năm để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tăng tính khả thi và tạo ra giá trị lan toả lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!