Cần nâng cấp hệ sinh thái để "hút" FDI chất lượng

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 17/08/2024 07:05 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam thu hút dòng vốn FDI thuộc hàng cao nhất ASEAN, tuy nhiên, để có được dòng đầu tư chất lượng và bền vững rất cần nâng cấp hệ sinh thái sản xuất.

"Đất lành" thu hút nhiều FDI

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu của năm 2024, giữa bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng.

Thống kê cho thấy, 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt gần 10.764 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%và là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; là điểm đến đáng đầu tư nhất trong thời gian tới. Niềm tin và sự lạc quan của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng cũng có thể thấy rõ trong khảo sát nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước mới đây.

Từ những con số có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Mới đây, trong cuộc thăm dò của Jetro cho kết quả, có 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng sản xuất – kinh doanh tại nước ta. Mức này cao hơn nhiều so với con số trung bình 28,8% của ASEAN.

Đáng chú ý, trong báo cáo "Vietnam at a glance" của tháng 7 vừa công bố mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhấn mạnh, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.

Dẫn chứng, công ty Samsung với nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở Bắc Ninh vào năm 2008. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.

Cần nâng cấp hệ sinh thái để hút FDI chất lượng - Ảnh 2.

Đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo các nhà phân tích của HSBC, có nhiều yếu tố thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam ở mức cao.

Bên cạnh đó, các chi phí như năng lượng cũng khá cạnh tranh. Giá điện cho kinh doanh ở Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác. Giá dầu diesel cũng có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, hỗ trợ và tạo điều kiện cho FDI.

Nâng cấp hệ sinh thái để "hút" FDI chất lượng

Trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ, tại những buổi làm việc, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến Việt Nam và lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình là Gautam Adani, một trong những tỷ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, đã công bố dự định đầu tư 2 tỷ USD xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng. Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Gautam Adani còn quan tâm tham gia vào giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Long Thành và mở rộng sân bay Chu Lai. Hoặc như BDR Pharmaceuticals, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cũng với nhiều yêu cầu đặt ra như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, kỹ thuật, môi trường…thì việc chuẩn bị nguồn lực, thích nghi để có được dòng vốn FDI ngày càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, thời gian qua, sự gia tăng hội nhập của nền kinh tế chủ yếu diễn ra thông qua liên kết ngược. Ví như trong ngành điện tử, đến nay, nước ta chỉ được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian cho khâu lắp ráp cuối cùng. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành hàng điện tử khá thấp.

Trên thực tế, hướng đến "hút" dòng vốn FDI chất lượng cao đã và đang được Chính phủ đẩy mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nỗ lực để thu hút đầu tư với kỳ vọng từ đó sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng mới, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Song, theo các chuyên gia kinh tế, để có được dòng đầu tư chất lượng và bền vững rất cần nâng cấp hệ sinh thái sản xuất tiến lên một cấp độ mới để vừa giải quyết được những bất cập, vừa nắm bắt được cơ hội, tạo môi trường thuận tiện cho dòng vốn hoạt động hiệu quả. "Thực tế cho thấy FDI là một trong những chất xúc tác quan trọng đã thúc đẩy và giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trong khu vực. Tập trung vào FDI chất lượng cao là hướng đi hoàn toàn đúng đắn của Việt Nam và để hiện thực hóa điều này, cơ sở hạ tầng liên quan và hệ sinh thái chuỗi cung ứng cần phải được khởi động và tăng tốc. Cần lưu ý rằng, phải mất nhiều thời gian để hệ sinh thái sản xuất được thiết lập và mang lại thành quả", ông Joonsuk Park-Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQT DTJ Group, Chủ tịch Liên Minh Công nghiệp G20, cần tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tìm kiếm các cơ hội tốt từ các chuỗi cung ứng, FDI, thông qua đó góp phần xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bền vững.

Còn theo HSBC, để duy trì bên vững dòng vốn đầu tư và có được FDI chất lượng, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa cho hàng hóa. Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng đó là nguồn lực lao động. Chúng ta cần sớm bù đắp sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật.../.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước