Theo Sở Xây dựng TP.HCM, sau thời gian đóng băng, đến nay tại địa phương này vẫn còn gần 500 dự án ngừng thi công, đắp chiếu. Đây là những dự án cần phải được M&A, chuyển nhượng để hồi sinh.
Tuy nhiên, đa số các dự án này đều bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng và một số luật ràng buộc hiện hành, cho nên nhu cầu là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác.
Công ty Căn nhà mơ ước vừa hoàn tất việc mua lại một dự án ở quận 7. Tuy nhiên, mua ở đây không theo hình thức chuyển nhượng thông thường, mà doanh nghiệp phải làm gián tiếp bằng cách mua lại hơn 90% cổ phần công ty của đối tác.
Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng có được dự án, mà chủ đầu tư cũ không cần phải hoàn thiện tất cả các khâu theo quy định. Với việc mua lại cổ phần, những doanh nghiệp có năng lực tài chính sẽ nhanh chóng mua được quỹ đất mà mình ưng ý, mà không vi phạm quy định chuyển nhượng.
Bởi theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản hiện hành, để chuyển nhượng một dự án, chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải mất vài năm để hoàn tất rất nhiều khâu từ: giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết 1/500, có giấy phép xây dựng, thẩm định giá đất, nộp tiền sử dụng đất...
Để giải quyết điểm nghẽn, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề xuất, quy định về chuyển nhượng cần nới lỏng hơn. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tự do chuyển nhượng dự án trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, một khi Luật cho phép chuyển nhượng dự án tự do giữa các nhà đầu tư với nhau, nghĩa là sẽ có một sự chuyển giao dự án giữa những nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, thiếu chuyên nghiệp sang nhà đầu tư có tiềm lực, chuyên nghiệp để triển khai dự án.
Đây được xem là điều cấp thiết để giải quyết hàng trăm dự án đang tạm ngưng, phần chìm của tảng băng hàng tồn kho bất động sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!