Nguồn thông tin đầu vào dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đầy đủ. Phương pháp thu thập thông tin truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đây chỉ là một trong số những nguyên nhân khiến kết quả quy mô GDP của toàn nền kinh tế hiện nay chưa toàn diện. Đã đến lúc Việt Nam phải đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) là nhận định của nhiều tổ chức quốc tế. Sáng 16/8, Tổng cục thống kê đã có buổi làm việc với báo chí liên quan đến vấn đề này.
"Đánh giá lại quy mô GDP" là công tác chuyên ngành của mọi cơ quan thống kê quốc gia, được tiến hành thường xuyên và định kỳ. Đây là quá trình tính toán mà ở đó người làm thống kê sẽ rà soát, bổ sung các dữ liệu, đảm bảo nguyên tắc "tính đúng, tính đủ".
Việc phải đánh giá lại quy mô GDP thời điểm này được cho là tất yếu khi cơ cấu nền kinh tế đang thay đổi rất nhanh. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đã phát triển hơn rất nhiều với đa dạng các loại hình kinh doanh mới ra đời, trong khi dữ liệu trước đây lại chưa cập nhật.
Ông Robert Dippelsman - Phó Trưởng phòng Thống kê, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho hay: "Vai trò của IMF là cùng với Tổng cục Thống kê Việt Nam rà soát phương pháp đánh giá lại quy mô GDP. Với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn, khi rà soát phương pháp, đánh giá lại quy mô GDP sẽ nắm bắt các số liệu liên quan đến doanh nghiệp mà trước đó chưa được tính hết. Qua đó đảm bảo bao phủ 100% hoạt động kinh tế của Việt Nam".
Quá trình thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam đã cho thấy có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng và một nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP. Đáng chú ý, dữ liệu của trên 70.000 doanh nghiệp đã được cập nhật mới trong quá trình rà soát này.
Việc đánh giá lại quy mô GDP ở Việt Nam không phải cá biệt bởi trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt nền kinh tế lớn đã đồng loạt tiến hành công tác này. Năm 2013, Mỹ đánh giá lại quy mô GDP năm trước đó, tăng thêm 560 tỷ USD và tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã 4 lần đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2004 đến nay. Năm 2013, Trung Quốc bổ sung 305 tỷ USD vào quy mô GDP.
Ông Emmanuel Manolikakis - Chuyên gia Tư vấn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - nói: "Thách thức lớn nhất chính là làm sao để có được nguồn dữ liệu đầu vào là các số liệu của doanh nghiệp một cách kịp thời trong khi họ lại đang phát triển rất nhanh. Nhiệm vụ quan trọng ở đây chính là phải phối hợp được với tất cả Bộ ngành, cơ quan, làm sao để rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ toàn diện".
Theo đại diện Tổng cục thống kê, kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ giúp đánh giá sát thực và toàn diện bức tranh của nền kinh tế. Qua đó giúp Chính phủ, Bộ ngành, địa phương xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!