Cần thiết lập sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/08/2023 13:57 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu kết nối và nâng tầm dịch vụ việc làm trên quy mô toàn quốc đòi hỏi Việt Nam cần sớm có một sàn giao dịch việc làm quốc gia.

Cả nước hiện có hơn 80 trung tâm, hàng trăm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng. Còn hàng nghìn lao động đang loay hoay tìm việc.

Trong tuần qua, doanh nghiệp có số lượng lao động nhất TP Hồ Chí Minh là Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thông báo sẽ cắt giảm 1.200 lao động. Đây là lần cắt giảm thứ 3 trong năm nay của đơn vị này.

Còn trên quy mô toàn quốc, theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm nay khoảng 1,07 triệu người, tăng hơn 25.000 người so với quý trước, tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi lực lượng lao động có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động và việc làm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động cục bộ. Không tận dụng hết nguồn lao động hiện có, tỷ lệ này càng tăng thì càng phản ánh sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao phải kết nối những nơi thừa với nơi thiếu, kết nối những doanh nghiệp đang rất cần nhân lực với người lao động đang mong có việc làm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm.

Như vậy, Việt Nam cần sớm có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với nguồn nhân lực lao động và người sử dụng, cho cả khu vực công lập và tư nhân, từ đó góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập.

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay, việc có một sàn giao dịch việc làm quốc gia là cần thiết để đáp ứng cung - cầu lao động và giảm được chi phí cho người sử dụng lao động cũng như người lao động khi đi tìm việc hoặc việc đi tìm người.

"Đồng thời nếu chúng ta có sàn, tôi cho rằng đây là một biện pháp hết sức hữu hiệu để chúng ta sử dụng nguồn nhân lực một cách tốt nhất theo đúng tinh thần Đại hội XIII đã nói vấn đề nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá", ông Trung nói.

Cần thiết lập sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia - Ảnh 1.

Cả nước có 82 trung tâm công lập và khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ việc làm. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Cùng với đó, nếu có sàn giao dịch quốc gia thì chúng ta đảm bảo được tính công khai, minh bạch, an toàn cho người lao động và người sử dụng lao động, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm được các thông tin về thị trường lao động. Trong đó có một điểm rất quan trọng là dự báo về thị trường lao động.

Nếu chúng ta làm tốt, trên cơ sở các số liệu, các thông tin này, chúng ta dự báo được thị trường lao động, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý được lực lượng lao động. Nếu thực hiện tốt sàn giao dịch việc làm này, thì chúng ta cũng định hướng cho các công tác đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động. Đồng thời, nếu thực hiện tốt chúng ta sẽ hỗ trợ cho các chương trình khác, đặc biệt là chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, việc thành lập hoạt động sàn này vừa thiết thực, vừa phù hợp, hết cấp thiết và đáp ứng được cho thực tế hiện nay", ông Trung nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phải chi phí nhiều cho tuyển dụng

Chuyện thiếu đơn hàng đầu năm khiến doanh nghiệp phải tạm dừng tuyển dụng hoặc cắt giảm lao động. Tuy nhiên hiện đã bước sang quý III, nhiều công ty đang phải dồn lực và tăng cường tuyển dụng nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh, nhưng xoay xở đủ cách vẫn chưa có đủ lao động là thực tế hiện nay của không ít doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải chi tiền cho người môi giới tuyển dụng lao động là chuyện thường từ trước tới nay. Có những thời điểm, để tuyển được 1 lao động, doanh nghiệp phải trả 1,5 - 2 triệu đồng cho người môi giới.

"Công ty sẽ đến các khu công nghiệp phát tờ rơi, đăng những bài tuyển dụng lên các nhóm trên Facebook, các nhóm về việc làm", bà Mai Thị Lam, Trưởng bộ phận tuyển dụng, Công ty Hưng Việt Hưng Yên, cho biết.

Hiện nay, do thiếu đơn hàng nên các công ty dừng tuyển dụng. Tuy nhiên chỉ cần có đơn hàng mới, việc tuyển dụng lại trở thành vấn đề nan giải. Những đợt cao điểm, nhiều công ty phải cho người đến tận các vùng xa phát tờ rơi, trả tiền môi giới cho người giới thiệu lao động.

Ngay tại thời điểm này, khó khăn tuyển dụng lao động cả trực tiếp và gián tiếp là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp. Nhiều lao động nhảy việc chỉ từ sau 3 - 4 tháng khiến công ty tốn kém chi phí.

Nhu cầu có một sàn giao dịch việc làm trực tuyến trên cả nước để nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tăng cường kết nối việc làm trực tuyến

Hiện đã có nhiều địa phương chủ động kết nối, chia sẻ thông tin việc làm và nguồn lao động. Dù chưa có một mạng lưới toàn quốc nhưng sự kết nối trực tuyến của một số tỉnh thành phố đang triển khai chính là tín hiệu tích cực, là tiền đề để xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến trên phạm vi cả nước.

Tại mỗi phiên giao dịch trực tuyến, có hơn 40.000 chỉ tiêu tuyển dụng, nhiều nhất là các lĩnh vực điện tử, thương mại dịch vụ, vận tải… Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu ở vào nhóm 18 - 25 tuổi với tỷ lệ hơn 40%.

Tuy nhiên trong bối cảnh thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp có xu hướng tái cơ cấu sản xuất, cắt giảm chi phí nên nhu cầu tuyển dụng cũng sụt giảm so với giai đoạn trước. Điều này khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động bị thu hẹp.

"Tình hình kinh doanh ảnh hưởng nhiều đến tuyển dụng. Mấy năm nay nhu cầu tuyển dụng giảm", chị Hoàng Ngọc Hà, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết.

"Người lao động hay doanh nghiệp ở bất kỳ sàn giao dịch việc làm nào đều có thể phỏng vấn tuyển dụng, kết nối đến với nhau, tận dụng tối đa nguồn lực. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để tuyển dụng được vị trí việc làm, đáp ứng được hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm", ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay.

Dù mới hoạt động, nhưng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa các các tỉnh, thành phố cũng thu hút và tạo điều kiện cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc sau dịch, lao động tự do đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, giúp họ tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí tuyển dụng cho doanh nghiệp.

Những người kẹt lại thành phố

Hơn 82.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tình trạng cắt giảm lao động vẫn đang ở chiều hướng đi lên. Không có việc làm, không còn thu nhập, trong khi chi phí sinh hoạt cao, nhưng nhiều lao động vẫn đang kẹt lại thành phố với nhiều lý do.

Xếp rồi vào bao 1 cái áo mưa, tiền công được 250 đồng, cả nhà 4 người, làm 1 ngày được 400 cái, tức 100.000 đồng, được đồng nào hay đồng đó, bởi nguồn thu nhập chính cả nhà hiện chỉ còn trông chờ lương bảo vệ khoảng 7 - 8 triệu của ông Đào Văn Khỏe (tỉnh An Giang). Vợ ông Khỏe vốn là công nhân, nay đã mất việc. Biết ở lại thành phố khổ, nhưng gia đình không có nhiều lựa chọn.

"Giờ về quê không có việc làm, học hành con cái nó gián đoạn, lấy gì để sống, cầm cự lúc nào hay lúc nấy, chừng nào lo hết nổi thì mình tính sau", ông Đào Văn Khỏe, tỉnh An Giang, chia sẻ.

26 năm rời quê vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân, với bà Lan (công nhân Công ty may Việt Tiến), đây chính là thời điểm khó khăn nhất.

"Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ, toàn nhận đơn hàng nhỏ lẻ, khó làm", bà Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty may Việt Tiến, cho hay.

"Bình thường làm đủ thì được 7 triệu, còn giờ làm nửa tháng thì được 3,5 triệu", ông Nguyễn Sĩ Huyền, Công ty Nhật Linh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Thu nhập giảm sút, cuộc sống chật vật, con trai duy nhất còn nhỏ chưa vướng chuyện học hành, nhưng cả 2 vợ chồng đều không nghĩ đến chuyện về quê

"Mọi người thì không biết, nhưng theo ý em thì vẫn cứ chịu khó ở trong này làm để chờ cơ hội kinh tế nó lên", ông Nguyễn Sĩ Huyền cho biết thêm.

Tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển thị trường việc làm lành mạnh, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động là điều được Chính phủ hết sức quan tâm.

Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành để chuẩn hóa dữ liệu, kết nối các trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập, tư nhân để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động cả nước đều có thể tiếp cận đầy đủ, thuận lợi, từ đó sớm thành lập sàn giao dịch việc làm quốc gia.

Đặc biệt, từ sàn giao dịch việc làm này sẽ tiến tới thu thập, xây dựng hệ thống dữ liệu việc làm, góp phần dự báo thông tin việc làm từ nhiều góc cạnh khác nhau, đóng góp vào phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập, đảm bảo an sinh xã hội và nhất là quyền lợi của người lao động.

Cần sớm hình thành sàn giao dịch việc làm quốc gia Cần sớm hình thành sàn giao dịch việc làm quốc gia

VTV.vn - Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, sàn giao dịch việc làm quốc gia sẽ là nơi thông tin các bên được kiểm chứng, minh bạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước