Cảng biển châu Á tiếp tục tắc nghẽn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu linh hoạt ứng phó

Kate Trần-Thứ năm, ngày 18/07/2024 10:51 GMT+7

Tắc nghẽn tại cảng biển lan rộng sang châu Á

VTV.vn - Theo dự báo, cảng biển tại châu Á có thể sẽ tiếp tục tắc nghẽn trong 2 tháng tới, gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ta.

Tắc nghẽn sẽ còn tiếp diễn 2 tháng nữa

Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu; giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cả 2 cảng Klang và Singapore đều nằm trên eo biển Malacca, tuyến đường thủy quan trọng nối liền châu Âu và Trung Đông với Đông Á. Có khoảng 20 tàu container đang neo đậu thành cụm ngoài khơi Cảng Klang, trên bờ biển phía Tây Malaysia gần Kuala Lumpur.

Đáng chú ý, hiện tình trạng tắc nghẽn tàu container tại Singapore - một trong những cảng biển bận rộn nhất châu Á đang ở mức tồi tệ nhất kể từ đại dịch. Thậm chí, việc tắc nghẽn này đã lan sang các cảng lân cận như các cảng của Malaysia...gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu, vận chuyển hàng hóa trong khu vực bị chậm chễ, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa các nước.

Trước thực trạng này, các nhà phân tích dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay.

Cảng biển châu Á tiếp tục tắc nghẽn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu linh hoạt ứng phó - Ảnh 2.

Tắc nghẽn cảng biển lan rộng tại châu Á, giá cước container dự kiến neo cao đến quý 3/2024

Theo lý giải của các hãng truyền thông, tình trạng ùn tắc hàng hải xảy ra vì các tàu hiện tại đều phải tránh kênh đào Suez và Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Nhiều tàu hướng tới khu vực châu Á đang chọn đi vòng qua mũi phía Nam châu Phi, đồng nghĩa với việc không thể tiếp nhiên liệu hoặc dỡ hàng hóa ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, giá cước tàu container vẫn đang trên đà tăng vọt. Từ đầu năm đến nay, giá cước đã tăng gấp 5 lần. Trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15-30 ngày, nhưng hiện chỉ báo giá theo tuần, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Theo các chuyên gia, giá cước sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian ngắn tới đây, khi mà mùa vận chuyển cao điểm hàng năm đang đến gần. Thống kê cho thấy, giá cước vận tải container tuyến hành hải quốc tế đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 110% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch COVID-19.

Chi phí đội cao, doanh nghiệp "đau đầu" ứng phó

Chia sẻ những khó khăn về vận tải thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Hải (Hà Nội) cho biết, với một doanh nghiệp quy mô nhỏ, xuất khẩu hàng may mặc như chúng tôi luôn bị ảnh hưởng lớn nhất. Bởi thường, chúng tôi chỉ ký kết hợp đồng thuê tàu ngắn hạn do đơn hàng xuất khẩu không ổn định. Tôi nghĩ, đây là khó khăn chung vì phần lớn doanh nghiệp nước ta đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ.

Trước thực trạng đó, theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cùng ngành hàng nên tập hợp và liên kết với nhau, gom hàng lại thành khối lượng lớn rồi thỏa thuận, đàm phán về giá cả, thời gian với hãng tàu nước ngoài sao cho có lợi nhất, tránh bị đội giá quá cao, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Bên cạnh đó, về lâu dài, các doanh nghiệp nên tính đến bài toán tiết kiệm từng khâu để giảm chi phí. Đồng thời, tận dụng vận tải đa phương thức. Một số doanh nghiệp chia sẻ họ đã tận dụng đường sắt là chủ yếu bởi đường hàng không quá đắt đỏ. Hàng hóa Việt vận chuyển bằng đường sắt sang Trung Quốc và thông qua một số nước trong liên minh kinh tế Á - Âu để vận chuyển hàng hóa tới châu Âu thay thế cho việc vận tải bằng đường biển.

Được biết, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Đồng thời, chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển. Song song với đó, bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Thư gửi Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận Quốc tế (FIATA) để trao đổi, thúc đẩy hợp tác và đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề vận tải logistics. 

Bộ trưởng mong muốn ông và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên; muốn FIATA chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng và ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước