Trung Đông tuần qua một lần nữa trở thành điểm nóng của thế giới với những động thái leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Diễn biến này ngay lập tức đã tác động mạnh mẽ tới thị trường toàn cầu.
Giá dầu tăng cao do căng thẳng Trung Đông
Như thường lệ, mỗi khi khu vực này xảy ra biến động lớn về an ninh, chính trị, hay quân sự thì một phản ứng gần như tất yếu của thị trường đó là dầu tăng giá.
Tuần qua là một tuần "nhảy múa" của giá dầu. Hôm 6/1, giá dầu thế giới đã tăng trên 4%, trong đó giá dầu Brent lần đầu tiên vượt ngưỡng 70 USD/thùng trong vòng 3 tháng qua. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, giá dầu đã nhanh chóng giảm mạnh, quay về ngưỡng giao dịch như trước thời điểm căng thẳng bùng phát, nhờ những động thái hạ nhiệt của hai bên.
Trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng tại khu vực giếng dầu của thế giới này sẽ gây ra ảnh hưởng theo hai cách là giảm nguồn cung dầu và nguy cơ phong tỏa eo biển Hormuz - cửa ngõ quan trọng luân chuyển hơn 20% lượng dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, cả hai nguy cơ này đều chưa xảy ra.
Về sản lượng, ảnh hưởng không lớn do xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã bị giảm bởi các lệnh trừng phạt, trong khi nguồn cung từ Nga, OPEC và Mỹ vẫn khá dồi dào.
Trong khi đó, nguy cơ phong tỏa eo biển Hormuz vẫn là một thách thức lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có sự gián đoạn nguồn cung lớn nào.
Ông Michael Wirth, Chủ tịch và CEO Công ty dầu khí Chevron cho rằng: "Sự việc diễn ra tại Trung Đông hiện nay cơ bản sẽ không tác động mạnh đến cơ sở hạ tầng năng lượng, hay thay đổi nguồn cung, cũng như nhu cầu về dầu trên thị trường. Chúng tôi không thay đổi dự báo về thị trường dầu dựa vào những hiên tượng ngắn hạn, thay vào đó, nhìn vào nhu cầu và nguồn cung dài hạn
"Iran và Trung Đông là giếng dầu lớn của thế giới, do đó, giá dầu chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, với việc Mỹ vẫn sở hữu nguồn cung dầu đá phiến lớn trong những năm gần đây, giá dầu sẽ không tăng quá mạnh" - ông Paul Pong, Giám đốc điều hành Công ty Pegasus Fund Managers, Hong Kong (Trung Quốc) nhận định.
Không chỉ thị trường năng lượng, thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua cũng "đỏ lửa" trên khắp các sàn giao dịch từ Mỹ, châu Âu cho tới châu Á trong những ngày đầu tuần trước khi phục hồi trong những phiên cuối tuần, chị Kim Huê
Biến động mạnh nhất phải kể đến các thị trường châu Á, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu từ Trung Đông. Tại Nhật Bản - quốc gia có tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2020, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự chao đảo của thị trường chứng khoán, lúc giảm sâu, lúc tăng mạnh theo những phát ngôn và thái độ ứng xử của cả phía Mỹ và Iran.
Chứng khoán Nhật Bản chao đảo vì căng thẳng Mỹ - Iran
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, ngay thời điểm mở cửa đầu năm mới (ngày 6/1) đã chứng kiến chỉ số chứng khoán Nikkei đã giảm mạnh tới 450 điểm, tương đương 2%, so với thời điểm đóng cửa cuối năm 2019.
Các phiên giao dịch sau ngày đầu năm mới, chứng khoán Nhật Bản rơi vào tình trạng "tăng nhanh và giảm sâu" sau những phát ngôn, động thái của cả phía Mỹ và Iran. Chỉ số Nikkei chỉ bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 9/1, khi tăng tới 535 điểm, tương đương gần 2,5% và đạt giá trị cao nhất trong 2 tuần qua, sau khi Tổng thống Donlad Trump tuyên bố sẽ không trả đũa bằng quân sự, sau khi Iran tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của Mỹ tại Iraq. Đà tăng điểm của chứng khoán Nhật Bản tiếp tục được kéo dài sang đến ngày 10/1, tăng gần 0,5%, chấm dứt một tuần đầy biến động.
Kinh tế Nhật Bản luôn nhạy cảm trước tình hình Trung Đông, khu vực cung cấp đến gần 90% lượng dầu thô cho nước này. Thực tế, Nhật Bản đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất trong số các quốc gia phát triển từ cuộc khủng hoảng dầu Trung Đông từ năm 1973 - 1975, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng cao độ của nước này.
Theo một số chuyên gia phân tích về giá dầu Nhật Bản, mặc dù nỗi lo về một cuộc chiến quân sự toàn diện giữa Mỹ và Iran đã qua nhưng vẫn còn đó ngọn lửa đối đầu âm ỉ giữa hai quốc gia này và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khi đó sẽ không chỉ làm chao đảo giá dầu mà thị trường chứng khoán sẽ biến động khó lường.
Những lựa chọn dành cho giới đầu tư trong năm 2020
Đầu tư gì trong năm 2020? Chắc chắn là một câu hỏi khó khi ngay từ đầu năm, giới tài chính toàn cầu đã có một tuần không bình yên. Bình tĩnh đánh giá tình hình và không vội vàng bán tháo là lời khuyên mà nhiều chuyên gia phố Wall đưa ra cho giới đầu tư. Bởi một thống kê của CNBC cho thấy, sau những vụ xung đột giữa Mỹ và Iran trong quá khứ, chỉ số S&P 500 thường sẽ chỉ giảm trong tuần đầu tiên, trước khi bắt đầu phục hồi trong vòng 1-3 tháng.
Ngay cả khi căng thẳng Mỹ - Iran hiện vẫn là một ẩn số khó đoán, có thể thay thế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để trở thành thách thức lớn nhất cho nền kinh tế trong năm 2020, các chuyên gia vẫn tin vào khả năng phục hồi của thị trường. Việc chứng khoán thế giới chứng kiến sắc xanh trở lại ngay trong tuần qua khi căng thẳng có dấu hiệu lắng dịu là minh chứng cho điều này.
Với các nhà đầu tư chú trọng sự an toàn, những tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ, Yen Nhật và đặc biệt là vàng đang là ưu tiên hàng đầu. Tuần qua, đồng Yen Nhật đã chạm mức cao nhất 3 tháng, trong khi vàng vượt mốc 1.600 USD/ounce, đạt mức đỉnh của 7 năm qua.
Bloomberg nhận định, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran vẫn căng thẳng, xu hướng vàng tăng giá sẽ còn tiếp tục kéo dài. Do đó, theo Goldman Sachs đây sẽ là một trong những lựa chọn tốt nhất của giới đầu tư trong năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!