Được biết, hiện có tới hàng trăm đơn vị được cấp giấy phép bưu chính để vận chuyển hàng hóa. Trong khi vận chuyển, tất cả hàng hóa đều được đóng cẩn thận, thậm chí kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
"Grab được cấp dịch vụ bưu chính. Tôi có nhu cầu chuyển một bưu kiện cho một người, tôi chỉ cần đặt lệnh. Sau đó, một anh Grab đến nhận bưu kiện và chuyển cho người nhận. Vậy trong bưu kiện đó chứa cái gì, chứa hàng giả, lậu, thậm chí thuốc nổ hay ma túy thì không ai chịu trách nhiệm. Vì theo Luật Bưu chính, đơn vị vận chuyển không chịu trách nhiệm, mà người gửi và người nhận phải chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm một kho hàng lậu. (Ảnh: Dân trí)
Theo Luật Bưu chính, người gửi bưu kiện phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng có khi địa chỉ của người gửi chỉ ghi chung chung, thậm chí không có thật, nên các cơ quan chức năng khó xử lý tận gốc.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đang dự thảo Nghị định quản lý về thương mại điện tử, dự kiến tháng 11 sẽ trình Chính phủ. Dự thảo quy định việc bán hàng trên mạng phải tuân thủ như bán hàng truyền thống.
Dịch vụ bưu chính đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức vận chuyển mới cho việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu. (Ảnh: Dân trí)
Việc cần có một quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử là điều phải làm ngay, nếu không kênh buôn bán này rất dễ bị lợi dụng để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Điển hình trong tháng 7 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện kho hàng lậu có quy mô lớn, với hơn 100.000 sản phẩm tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong, hay vụ việc kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại Lào Cai cũng mới bị lực lượng chức năng triệt phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!