Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh ngoài việc cho phép thành phố được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, thành phố còn được áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nếu sớm áp dụng thì thành phố có thể triển khai lại nhiều dự án lớn bị ách tắc nhiều năm nay.
Chỉ dài gần 2,8 km, dự án đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa vẫn đang chờ được khởi động lại để nhanh chóng khép kín. Dự án được kỳ vọng giảm ùn tắc nội thành, tăng kết nối các khu công nghiệp, cảng biển. Tuy nhiên, vì vướng pháp lý nên dự án theo hình thức BT này đã phải tạm ngưng thi công từ năm 2020.
Ngoài dự án trọng điểm này, nhiều dự án quan trọng khác của thành phố đang chờ chủ trương đầu tư như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4. Nếu được khơi thông, TP Hồ Chí Minh sẽ giải được bài toán rất lớn về thiếu vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Đoạn 3 tuyến đường vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức đang tạm dừng thi công do vướng mắc liên quan đến hợp đồng BT. (Ảnh: PLO)
Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, để gỡ vướng cho các dự án BT, cần tập trung điều chỉnh ở 2 điểm: tránh chỉ định thầu và đem đấu thầu quỹ đất.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tiền đã trao nhưng cháo chưa múc, đối với hình thức này, TP Hồ Chí Minh đang tính toán việc sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành từ 5 - 10 năm.
Giữa tháng 9/2023, dự án đường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành 2/3 và được đưa vào hoạt động. Đây là dự án BT hiếm hoi của TP Hồ Chí Minh đã gỡ được vướng và tiếp tục triển khai. Ngay khi được thông xe, tuyến đường đã phần nào chia sẻ tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên ngay tại nút giao dẫn vào cao tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!