Một trong các nội dung trong Dự thảo nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang được Quốc hội cho ý kiến đó là thành phố được phép thực hiện trở lại hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) đối với 12 dự án cầu, tuyến đường có tổng vốn đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng.
Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương dài 5,8 km là 1 trong số 6 dự án TP Hồ Chí Minh đề xuất được áp dụng hình thức đầu tư BOT, với vốn đầu tư 12.200 tỷ đồng. Đây là tuyến đường mật độ lưu thông lớn và thường xuyên ùn tắc vì thắt nút cổ chai. Thành phố kỳ vọng từ đây sẽ khởi động lại dự án sau 20 năm chờ đợi.
Ngoài BOT, việc đề xuất thực hiện trở lại hợp đồng BT với 6 dự án khác sẽ tranh thủ được vốn xã hội.
Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến thành phố Thủ Đức thường xuyên kẹt xe, tắc đường. (Ảnh: thesaigontimes)
"Nếu có ai đó bỏ tiền ra, làm xong rồi chúng ta sẽ dùng đấu giá đất 2 bên về sau thì nó giải quyết rất là nhanh điểm nghẽn", TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Chương trình phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt - Đức, cho biết.
"Theo quy định hiện nay thì bỏ hình thức BT ra. Nhưng có rất nhiều dự án chúng ta ký hợp đồng với nhà đầu tư, ký hợp đồng BT, vì thế nó đứng rất nhiều dự án tại TP Hồ Chí Minh mà không triển khai được, tất cả là dự án giao thông, như đường Vành đai 2, dự án liên quan đến hạ tầng xã hội", TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Để mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu, ngân sách dành cho giải phóng mặt bằng không nhỏ, đặc biệt là các tuyến đường nội đô, dân cư hiện hữu. Do vậy, thành phố đề xuất được tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70%. Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết lần này là thành phố sẽ triển khai dự án BT thanh toán cả bằng đất và bằng tiền.
"Công trình đang rất cần cấp bách, đầu tư càng sớm càng hiệu quả nên mình đầu tư trước. 5 - 10 năm mình thanh toán cho nhà đầu tư", ông Nguyễn Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải rất chậm, chỉ đạt khoảng 35% so với Quy hoạch đã được Thủ tướng ban hành năm 2013, phần lớn do thiếu cơ chế huy động các loại hình vốn ngoài ngân sách. Đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh cần đầu tư khoảng 454 km đường giao thông, nhưng hiện chỉ bố trí được hơn 52.700 tỷ đồng, chỉ đạt 19,8% so với nhu cầu vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!