Để ngăn chặn thảm họa kinh tế và con người thì cắt giảm, chuyển đổi, hấp thụ khí thải là trách nhiệm chung của toàn cầu.
Hội thảo Net Zezo: Chuyển dịch xanh cơ hội cho người dẫn đầu
Sáng 27/6, Hội thảo "Net Zezo - Chuyển dịch Xanh - Cơ hội người dẫn đầu" đã được Đài truyền hình Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Với vai trò kết nối, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo với kỳ vọng đây sẽ là diễn đàn góp phần tạo nên một sự kết nối cởi mở giữa các doanh nghiệp và những người làm chính sách. Qua đó, có thêm được các đề xuất, ý tưởng, các kinh nghiệm thực tế, các mô hình thí điểm tiên phong trong triển khai thực hiện mục tiêu chuyển dịch xanh, hướng tới Net zero cho Việt Nam.
Doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển dịch xanh
Hiểu ngắn gọn, Net-zero là đạt được sự cân bằng (về 0) giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng khí này được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu ở trên, từng ngành, từng doanh nghiệp đã có những cách thức làm riêng, như sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo…
Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group: Chúng tôi cũng chú trọng đến việc sử dụng điện năng lượng mặt trời để chúng tay vào việc phát triển năng lượng xanh.
Bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Secoin: Chúng tôi sử dụng công nghệ ép thuỷ lực, không nung nên không thải ra chất thải ảnh hưởng môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc, Công ty Bê tông khí Chưng áp Viglacera: Chúng tôi thiết lập quy trình sản xuất ra sản phẩm bê tông khi chưng áp này là giảm tối đa việc phác thải khí CO2 bằng việc chúng tôi không nung vật liệu và không dùng than, thì giảm được phác thải CO2.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh GSM: Taxi xanh ra mắt vào 14/4 vừa qua và chúng tôi nhận được sự tin yêu của cộng đồng khách hàng.
Từng ngành, từng doanh nghiệp đã và đang có những cách thức làm riêng, như sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo…
Những lợi ích khi chuyển dịch xanh
Nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp áp dụng, triển khai nhằm giảm phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay có đến khoảng 90% là DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Việc chuyển đổi xanh cũng tốn kém không ít khi mà phải chuyển đổi công nghệ hay đầu tư nguyên vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, nhưng bù lại, những người đi đầu trong việc chuyển đổi xanh cũng đã gặt hái được nhiều lợi ích.
Thảo luận tại Hội thảo, đại diện Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk cho biết: Nếu không chuyển đổi xanh thì sau này doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Vinamilk sẽ không mua tín chỉ carbon mà doanh nghiệp tự trung hòa bằng những hành động của mình. Nếu đầu tư từ sớm, chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển của Vinamilk: Theo kinh nghiệm của chúng tôi nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra. Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển của Vinamilk cho biết công ty này sẽ không mua tín chỉ carbon mà doanh nghiệp tự trung hòa bằng những hành động của mình
Đại diện hãng hàng không Vietjet cũng chia sẻ: Người dẫn đầu sẽ có nhiều lợi thế trong việc chuyển dịch xanh, khi nhận được sự hỗ trợ từ nhiều bộ ngành và các tổ chức.
Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet: Khi có định hướng về chiến lược sớm thì các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất đồng hành với chúng tôi từ sớm.
Ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HD Bank: Tài chính xanh đến từ tín dụng xanh và trái phiếu xanh và xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam từ 2027 đến 2021 thì tốc độ trung bình của tài chính xanh đạt 25%/năm.
Các đại biểu cũng cho rằng hiện có hàng trăm tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế đang chờ những cơ hội đầu tư khả thi, phù hợp, thông minh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Việc các doanh nghiệp xác định được con đường tăng trưởng xanh, phát triển bền vững sẽ tạo sức hút mới với nhà đầu tư, đón đầu được dòng vốn ngoại.
Đòn bẩy chính sách cho Net Zero
Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì trong quá trình chuyển dịch xanh, các chính sách có 1 ý nghĩa quan trọng - là những định hướng để giúp các doanh nghiệp và người dân có thể đi đến đích. Những chính sách kịp thời, đúng và trúng sẽ là đòn bẩy cho bước nhảy dài trên đường đua Net Zero của Việt Nam. Đây cũng là nội dung được nhiều người quan tâm.
Ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam: Các bạn cần đầu tư củng cố mạng lưới điện quốc gia để có thể hòa năng lượng điện xanh vào mạng lưới điện quốc gia. Mạng lưới điện truyền tải hiện nay đang chưa đáp ứng, cần củng cố để hấp thụ năng lượng tái tạo .
Ông Marc S. Forni, Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới: Chính quyền cần thúc đẩy và giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân, giúp họ hiểu về sản xuất xanh, giúp họ tiếp cận nguồn vốn quốc tê, và cả nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước. Còn đối với các doanh nghiệp cũng cần nâng cấp mình để trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH: Chúng tôi hi vọng Chính phủ từng bước có thêm các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích cũng như hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đang đi bước đầu tiên trên hành trình trung hòa carbon.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết hiện nguồn cho vay các dự án xanh mới chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện nguồn cho vay các dự án xanh mới chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng. Vì thế, dư địa cho tín dụng xanh vẫn còn khá lớn nếu như các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có hữu ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Hiện Bộ đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố.Nhờ đó các dự án xanh có điều kiện nguồn tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ tiêu chí nếu không mang tính bao trùm, thông lệ quốc tế sẽ rất khó huy động nguồn lực. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ban hành chi tiết các lĩnh vực, dự án phù hợp định hướng tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng, tiêu chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế. Trên cơ sở này, các bộ ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn của từng bộ ngành
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho tăng trưởng xanh như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Tuy nhiên để hoàn thành cam kết Net Zero thì còn nhiều khó khăn, trong đó cần rất nhiều nguồn lực. Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ ngành để đề xuất cơ chế hỗ trợ doah nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh để hoàn thành cam kết Net Zero thì còn nhiều khó khăn, trong đó cần rất nhiều nguồn lực
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những cơ chế, chính sách đang dần được tiếp tục xây dựng và ban hành trong thời gian sắp tới, sẽ giúp các doanh nghiệp đủ tự tin để tăng tốc về 0 trong hành trình giảm phát thải. Những ý kiến đóng góp cởi mở, thẳng thắn của các đại biểu, các chuyên gia tại hội thảo hôm nay và cả những phản hồi sau Hội thảo, sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam VTV tiếp nhận, tiếp tục xây dựng các chương trình chuyên sâu, đa nền tảng, làm tốt nhất vai trò truyền thông, là cầu nối giữa các bên, góp phần hỗ trợ thực hiện chinh phục mục tiêu Net zero của Việt Nam trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!