11h20: Thị trường tín chỉ carbon đầy tiềm năng
Chia sẻ về kỳ vọng sắp tới có thể xúc tiến mô hình bán tín chỉ carbon, ông Marc S. Forni - Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng thế giới đã có mặt ở thị trường mua bán, phân phối tín chỉ carbon; làm việc với các nhà tài trợ, các quốc gia khác nhau trong 20 năm rồi. Giá trị của thị trường carbon hiện tại lên tới 52 tỷ USD và Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình mua bán tín chỉ carbon.
"Chúng tôi thấy nhiều tiềm năng, cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon. Dung lượng thị trường khá lớn". Bây giờ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu Net Zero. Điều này thúc đẩy rất lớn cho thị trường carbon.
Chúng tôi có một nhà kho carbon ở Singapore. Làm sao để phát triển thị trường tín chỉ carbon một cách minh bạch? Thị trường hoạt động như thế nào? Làm sao giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường này?" - ông Forni nhấn mạnh.
Ông Marc S. Forni - Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới (Ảnh: Long Trần)
Ông Forni bật mí, gần đây có một dự án trị giá 79 triệu USD đã được đầu tư vào thị trường carbon. Con số cách đây vài năm là 50 triệu USD. Như vậy, dung lượng thị trường đã lớn hơn rất nhiều.
Nhấn mạnh lại một lần nữa, ông Forni nói: "Thị trường tín chỉ carbon có nhiều cơ hội và tiềm năng ở thời điểm bây giờ so với nhiều năm về trước. Làm sao để có thể hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy thị trường này mở rộng hơn nữa - đó là mục tiêu của chúng ta".
11h10: Mong Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp
Tại tọa đàm, ông Arghya Mandal - Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH chia sẻ về chính sách kinh tế tuần hoàn mà doanh nghiệp đang thực hiện cũng như trong thời gian tới. Tiêu chí về hệ sinh thái được thực hành nhiều tại tập đoàn TH trong nhiều năm qua.
Ông Arghya Mandal - Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH (Ảnh: Long Trần)
"Chúng tôi có những chương trình phát triển bền vững và là thành viên sáng lập của PRO Vietnam - liên minh Tái chế bao bì Việt Nam. Điều đó thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi lắp đặt nhiều máy sử dụng năng lượng mặt trời và nguồn năng lượng thay thế khác tại nông trại và nhà máy sản xuất". Ông Mandal bày tỏ mong chờ Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đang đi bước đầu tiên trên hành trình trung hòa carbon.
11h05: Sắp có bộ tiêu chí về phân loại xanh quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì tiến hành nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để triển khai tăng trưởng xanh cần bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở thực hiện. Đến năm 2022, đã có 30 quốc gia xây dựng bộ tiêu chí xanh.
Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng hóa tiến độ tăng trưởng xanh. Nhờ đó các dự án xanh có điều kiện nguồn tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.
"Bộ tiêu chí nếu không mang tính bao trùm, thông lệ quốc tế sẽ rất khó huy động nguồn lực. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ban hành chi tiết các lĩnh vực, dự án phù hợp định hướng tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng, tiêu chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế. Trên cơ sở này, các bộ ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn của từng bộ ngành" – bà Ngọc chia sẻ.
11h00 Xây dựng bộ tiêu chí xanh
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết cùng với nguồn lực của nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.
Thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng cũng như Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt trong quá trình điều hành NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh.
"Năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng – chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%", bà Giang thông tin.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) (Ảnh: Long Trần)
Song Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thừa nhận hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh (mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành). Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh.
Điều này sẽ có hữu ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng thì đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.
10h55: Xanh hóa các ngành kinh tế
Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược Tăng trưởng Xanh cũng hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự kiến tháng 12 này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định về kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.
Về kế hoạch này, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường cho biết, quan điểm quốc gia tập trung trong Luật Bảo vệ môi trường, trong đó kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng nguyên nhiên vật liệu hóa thạch, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu, giảm phát thải, rác thải ra môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích về ưu đãi đất đai, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh. Thứ 2, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, sáng tạo, tích hợp vào sản xuất, tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cuối cùng, huy động nguồn lực quốc tế để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
10h40: Tăng trưởng xanh phải bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau
Phát biểu tại Tọa đàm "Đòn bẩy chính sách", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang là đơn vị chắp bút cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Về chiến lược này, bà Ngọc nhấn mạnh, việc phát triển bền vững đến từ khía cạnh hiệu quả. Nếu chúng ta không chú ý đến môi trường, phát triên bền vững, chúng ta sẽ chịu tác động rất xấu tới người dân, doanh nghiệp, vượt quá lợi ích kinh tế mà các giai đoạn trước mang lại.
Net Zero – tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiểu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (Ảnh: Long Trần)
Bà Ngọc bày tỏ hoàn toàn đồng tình với thông điệp của chương trình rằng đây là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và của cả người dân.
"Sự quản trị tổng thể của Chính phủ mang tính cốt lõi xem chúng ta có thể phát triển bền vững hay không. Mục tiêu Net Zero phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, tư duy hoạch định chính sách, lượng hóa chuyển đổi theo đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh quốc gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 134 hoạt động cụ thể. Trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế.
Một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hiệu quả, theo đó chiến lược này nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
"Đây là những lợi ích mang tính dài hạn. Chúng ta càng làm sớm, càng hiệu quả và rủi ro càng thấp. Chúng tôi đã lượng hóa, bổ sung chính sách, dự báo lượng CO2 phát thải theo kịch bản tối ưu và hiệu quả. Hạn chế phát thải khi chúng ta tăng trưởng nhanh cần các giải pháp công nghệ công trình và phi công trình", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tọa đàm "Đòn bẩy chính sách" (Ảnh: Long Trần)
Bà Ngọc cũng nêu lên trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía quản lý nhà nước, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng một trong những quan điểm xuyên suốt không phải là vị thế quốc gia mà là lợi ích ngắn hạn, dài hạn cho mỗi người dân. Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.
"Không phải bây giờ mà chúng ta đã chuẩn bị chiến lược tăng trưởng xanh từ rất lâu. Chiến lược tăng trưởng xanh nay được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Hàng loạt chính sách tăng trưởng xanh đã bắt đầu hình thành. Công tác truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh" – bà Ngọc nhấn mạnh.
10h30: Chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội
Trước khi đến phiên toạ đàm 2 với chủ đề "Đòn bẩy chính sách", phát biểu về việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế trong việc theo đuổi chính sách năng lượng xanh, cần có cam kết mạnh mẽ từ trên xuống dưới, tất cả các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó cần chính sách dài hạn, dễ dự báo, nhất quán, và có thể thực hiện được, chính sách phải bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới về tài chính và công nghệ mới
Ông Keiju Mitsuhashi cho biết, gần đây Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII để tăng cưởng chuyển dịch năng lượng xanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức với Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng gia tăng.
Chuyển dịch năng lượng là chuyển sang các năng lượng thay thế như gió, mặt trời. Năng suất các nguồn năng lượng này hy vọng sẽ tăng trưởng 48%. Nguồn năng lượng sẵn có và năng lượng thay thế cũng đều rất quan trọng.
"Chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội. Đó còn là đào tạo kỹ năng, xây dựng công nghệ để đáp ứng chuẩn tiết kiệm năng lượng", ông Mitsuhashi nhấn mạnh.
Ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) (Ảnh: Long Trần)
Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phân quyền ra quyết định và tăng cường trách nhiệm giải trình. Phát triển các dự án khả thi vay vốn ngân hàng và tăng cường môi trường đầu tư thuận lợi.
Bên cạnh đó huy động các nguồn tài chính nước ngoài, ngân sách và vốn tư nhân. Thúc đẩy thị trường cạnh tranh hướng tới cải cách thị trường điện bán buôn, phát triển thị trườngđiện bán lẻ và thị trường dịch vụ phụ trợ. Tiến hành dự án thí điểm với các công nghệ và cơ chế mới.
Về cơ chế tài chính, đại biểu ADB đã nêu ra một số cơ chế như các nguồn tài chính công và tư; đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); sử dụng nguồn vốn công để xúc tác cho nhiều nguồn tư nhân hơn: tài trợ hỗn hợp, các sản phẩm bảo lãnh; giao dịch carbon và trái phiếu xanh.
9h45: Lợi thế người dẫn đầu?
Trả lời câu hỏi có lợi thế gì khi chuyển dịch xanh càng sớm càng tốt, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thật ra đây là quá trình và hành động kép. Mục tiêu là giảm biến đổi khí hậu và xóa dấu chân carbon trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình. Đặc biệt, chúng tôi không mua tín chỉ carbon mà chúng tôi trung hòa bằng những hành động của mình.
Ông Khánh cho biết, có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết "Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn".
Toạ đàm với chủ đề Net Zero - Lợi thế người dẫn đầu (Ảnh: Long Trần)
Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast cho biết công ty sẽ tập trung năng lượng xanh, không “đương đầu” với Tesla Về mục tiêu tương lai và khả năng bán tín chỉ carbon của Vinfast, ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast cho biết sẽ không đặt mục tiêu đương đầu với Tesla mà muốn sản xuất các sản phẩm tốt.
Vinfast sẽ tham gia vào quá trình chuyển dịch xanh của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi chưa có lợi thế để bán tín chỉ carbon. Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon sẽ là cơ hội lớn. Đầu năm 2019, chúng tôi đã có bảo cáo về ESG trong đó carbon rất khó để tích trữ. Chúng tôi tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính”, ông Donovan Carroll cho biết.
Ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet (phát biểu) (Ảnh: Long Trần)
Ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết nếu có định hướng về chiến lược sớm thì các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất đồng hành. -
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk: Sản phẩm xanh, chuyển đổi xanh sẽ giúp cho niềm tin của người tiêu dùng, công đồng đối với sản phẩm và doanh nghiệp.
9h20: Net Zero: “cuộc chơi của người giàu?
Tại Toạ đàm "Net Zero - Lợi thế người dẫn đầu", trả lời câu hỏi Net Zero có phải "cuộc chơi của người giàu?",
Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast trước hết gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam có cam kết và xây dựng chính sác để đạt mục tiêu Net Zero.
Ông Morgan Donovan Carroll nhấn mạnh đây không phải mục tiêu cho "người giàu". Mỗi người đều cố gắng vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai, cho gia đình và con cháu chúng ta.
Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast (phát biểu) (Ảnh: Long Trần)
Bà Anita H.Holgersen, Trưởng đại diện Equinor tại Việt Nam cũng cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Các quốc gia giàu có có thể giúp cho các quốc gia khác trong vấn đề nay. Tuy nhiên, vượt qua biên giới quốc gia để nhìn về toàn cầu, đây là vấn đề quan trọng đối với mỗi cá nhân và con người.
Tại Đức có những cánh rừng xanh đang bị tác động bới biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều khu vực đang bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. Do đây đây chính là vấn đề toàn cầu.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho rằng Net Zero là xu hướng, đặc biệt với ngành hàng không - lĩnh vực đa quốc gia, quốc tế hóa, có nhiều chuẩn mực quốc tế...
"Vì thế, nếu chúng ta không đón đầu xu hướng thì sẽ gặp khó khăn. Tôi nghĩ đây không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh mà chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk (Ảnh: Long Trần)
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk, Ban chỉ đạo dự án Net Zero Vinamilk nhấn mạnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không chừa một ai. Ông Khánh khẳng định, Net Zero không phải cuộc chơi xa xỉ của người giàu, mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi.
9h10: Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự đồng hành của người dân
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc AFD Việt Nam Hervé Conan nhấn mạnh trên khắp toàn cầu, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và nền kinh tế. Tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới 10% kinh tế toàn cầu.
Việt Nam nằm ở 1 trong 3 khu vực dễ bị tổn thương, dễ bị bão lũ hơn ở vùng cao và vùng biển. Ở các khu vực đồng bằng, 50% ĐBSCL sẽ biến mất.
Mức biến đổi khí hậu phụ thuộc vào mỗi quốc gia giảm thiểu phát thải hiệu ứng nhà kính. Cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 đã nhận sự ủng hộ cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hiện đang là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Với lượng phát thải khí CO2 gấp 2 trong 10 năm qua. Mức độ năng lượng và chi phí năng lượng cũng tăng lên nhiều. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-7%, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới.
"Chúng ta phải thay đổi ngay bây giờ. Nếu không có điều gì diễn ra, năng lượng tạo phát thải lên tới 70%. Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần chiến dịch về năng lượng và sự đồng hành của người dân. Phải có chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng thay thế. Chiến lược của Việt Nam còn nhiều thách thức do mới chỉ ở ban đầu và còn nhiều vấn đề về kinh tế", ông Hervé Conan nhấn mạnh.
Giám đốc AFD Việt Nam Hervé Conan nhấn mạnh phải hành động ngay từ bây giờ (Ảnh: Long Trần)
Cũng theo ông Hervé Conan, Quy hoạch điện lưới quốc gia có kế hoạch đến 2030 và lộ trình 2050, trong đó ưu tiên đầu tư công, củng cố mạng lưới truyền tải điện, có các giải pháp thay thế năng lượng, thu hút các dự án tư nhân về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thay thế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gần đây cũng đã trình bày các chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa các đầu tư công và đầu tư tư nhân, tham gia ký kết chuyển dịch năng lượng cân bằng. Cộng đồng quốc tế cũng cam kết đầu tư 15,5 tỷ USD, trong đó Pháp đầu tư ban đầu 500 triệu USD cho các dự án của EVN.
Việt Nam đã cho thấy cơ hội về "xanh hóa", cung cấp việc làm, công nghệ trong cuộc đua chống tác động biến đổi khí hậu, đa dạng hóa chính sách. Bên cạnh đó, cần có cơ chế về "thuế carbon". Các hàng hóa nhập khẩu phải có chi phí bổ sung đưa vào châu Âu, qua đó để sử dụng công nghệ ít carbon hơn.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ khi xuất khẩu sang châu Âu phải chứng minh không được sản xuất ở khu vực phá rừng. Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự phối hợp từ nhiều phía. Hội thảo hôm nay là cơ hội chia sẻ các sáng kiến ở cấp độ quốc và quốc tế.
9h00: Chuyển đổi xanh là chặng đường dài với nhiều khó khăn
Phát biểu tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
"Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra", ông Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chuyển đổi xanh là chặng đường dài với nhiều khó khăn (Ảnh: Long Trần)
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại NSNN nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho NSNN; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế.
Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như:
Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
8h45: Kết nối cởi mở giữa doanh nghiệp và những người làm chính sách
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, chủ đề Net Zero được bàn luận nhiều tại các hội thảo, diễn đàn trong thời gian qua. Net Zero cũng nhận được sự quan tâm của các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, những nội dung trọng tâm của chủ đề Net Zero đã được Đài Truyền hình Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều thể loại chương trình trên các kênh sóng và nền tảng số để tăng sức lan tỏa và nâng cao hiệu quả truyền thông.
Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Long Trần)
Chủ đề Net Zero luôn được Đài Truyền hình Việt Nam truyền thông một cách dễ hiểu, dễ nhớ đối với công chúng, từ đó góp phần từng bước thay đổi thói quen, nhận thức và trở thành động lực của cả cộng đồng hướng tới phát triển xanh, bền vững. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng là hướng đi cần thiết và mở ra không ít cơ hội trong đó có cơ hội được nhận những nguồn vốn xanh từ bên ngoài.
Qua việc tổ chức hội thảo hôm nay, Đài Truyền hình Việt Nam hy vọng góp phần tạo nên sự kết nối cởi mở giữa doanh nghiệp và những người làm chính sách. Hội thảo cũng là dịp đưa ra những đề xuất, chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm thực tế, mô hình tiên phong hiệu quả trong chuyển dịch xanh.
Đến nay, khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg với 04 mục tiêu: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và (4) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc công bằng.
Chiến lược xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới mục tiêu cam kết Net Zero trong tương lai.
Mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050 được thể hiện chi tiết tại 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó các thách thức về huy động nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng là vô cùng lớn.
Theo thống kê, 37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Không đơn thuần là câu chuyện về môi trường, giảm phát thải - trung hoà carbon còn là mục tiêu chung hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - "Net Zero" nếu không có sự chuyển dịch cục bộ và toàn diện.
Việt Nam với cam kết Net Zero vào năm 2050, theo đánh giá không chỉ ở tầm quốc gia vấn đề đặt ra là từng ngành, từng doanh nghiệp đã, đang và sẽ hướng tới mục tiêu này như thế nào? Các cơ chế chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp ra sao, doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội?
Với vai trò kết nối, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" với kỳ vọng đây sẽ là diễn đàn góp phần tạo nên một sự kết nối cởi mở giữa các doanh nghiệp và những người làm chính sách. Thu thập thêm được các đề xuất, ý tưởng, các kinh nghiệm thực tế, các mô hình thí điểm tiên phong trong triển khai thực hiện mục tiêu chuyển dịch xanh của cộng đồng doanh nghiệp, của các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước ở lĩnh vực này.
Hội thảo được tổ chức tại tại khách sạn JW Marriott Hà Nội vào lúc 8h30 sáng nay (27/6). Sự kiện được livestream trên Nền tảng số quốc gia VTVGo, Fanpage VTV Money, Youtube VTV24 và Tiktok VTV24. Hội thảo có sự tham gia của 300 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!