Cây cầu kết nối TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai gồm 2,6 km cầu và hơn 5 km đường dẫn, có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm đang được chính quyền và người dân các tỉnh phía Nam hết sức chờ mong. Sau 2 năm thi công, cây cầu hiện đã đạt hơn 80% khối lượng và đang được các nhà thầu gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ vượt kế hoạch.
Nhìn từ trên cao, cầu Nhơn Trạch đã thành hình. Các kỹ sư, công nhân, máy móc thiết bị đều đang làm việc liên tục. Tàu chở cát sỏi và vật liệu xây dựng ra vào tấp nập.
Các nhà thầu cho biết, trong tháng sau, cầu Nhơn Trạch sẽ hợp long nhịp đầu tiên. Và dự kiến thông xe vào đúng dịp 30/4/2025, rút ngắn 4 tháng so với hợp đồng.
Dự án vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức
Ông Koo Ja Kyoung - Giám đốc dự án - Nhà thầu - Công ty Kumho E&C cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều về giải phóng mặt bằng. Cuối tháng 11/2023 mới nhận đủ 100% mặt bằng. Để kịp tiến độ, các mũi thi công phải làm việc tăng ca vào ban đêm, các hạng mục thầu chính và cọc khoan nhồi phải làm liên tục 24/7 cả ngày lễ, Tết. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo vượt tiến độ dự án 4 tháng".
Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Dự án vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, từ điều kiện thi công khắc nghiệt do thời tiết và địa hình sông nước phức tạp, đến việc giải phóng mặt bằng chậm ở phía Đồng Nai, cũng như tình trạng thiếu cát xây dựng và san lấp.
Ông Lê Đình Hoàng Chương - Phó Ban điều hành Dự án Thành phần 1A - Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ: "Còn vài vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật bên phía Đồng Nai vẫn chưa di dời, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành việc di dời các công trình hạ tầng trong tháng 8. Vướng mắc thứ hai là về nguồn vật liệu cát cung cấp cho dự án. Với tình hình khan hiếm cát như hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu Hàn Quốc phải chủ động tìm kiếm nguồn cát, những nguồn cát hợp pháp, không những trong và ngoài nước để cung cấp cho công trường kịp thời, đúng tiến độ đề ra".
Phía nhà thầu Kumho Hàn Quốc cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, để giảm chi phí, lấy phần đó bù vào chi phí tìm nguồn cát, không ngoại trừ phương án nhập khẩu cát từ nước ngoài. Hơn 500 kỹ sư công nhân tại công trường đều đang quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", để đưa cây cầu vào hoạt động sớm nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!