Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1997 đến 2017, cả nước có tới hơn 2.500 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Số lượng dự án liên tục tăng nhưng điệp khúc "chậm giải ngân, lãng phí vốn" vẫn luôn được nhắc tới đặc biệt ở các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cầu Hưng Hà nằm trong tuyến nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình được đầu tư vốn ODA Hàn Quốc. Đến nay cầu đã xây xong nhưng vẫn đang chờ cả tuyến đường nối đang chậm tiến độ do chưa bố trí được vốn. Được biết, tuyến nối này đã được duyệt và thi công cách đây 7 năm có sử dụng nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn ODA.
Hiện Bộ Giao thông vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án vay vốn ODA. Trong khi đó, đại diện cho vay vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam gần đây cũng bày tỏ quan ngại về việc chậm thanh toán tại các dự án ODA khiến các công trình sẽ phải kéo dài hơn, tăng chi phí vay về lâu dài cho Việt Nam.
Chính phủ Nhật Bản và các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó, phân bổ ngân sách năm tài khoá 2018 đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhưng trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư còn khó khăn thì Việt Nam cần phải tận dụng tối đa nguồn vốn ODA.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị phải công bố công khai về tình hình, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương theo từng tháng để báo chí và người dân giám sát trên tinh thần công khai minh bạch. Đây cũng là động thái cho thấy sự quyết liệt đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn vay ODA khi nguồn vay này sẽ ngày càng khan hiếm hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!